Vững vàng nơi đầu sóng

11:35, 24/12/2016

Đảo chìm Đá Lát là điểm đảo đầu tiên trong hải trình ra thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và các phóng viên báo chí cả nước. Đây là hòn đảo nằm gần đất liền nhất trong số các đảo trên quần đảo Trường Sa. Từ xa xa, Đá Lát hiện ra bề thế, vững chãi, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với vùng biển phía Đông Nam, đồng thời, là điểm tựa vững chắc của ngư dân đang ngày đêm bám biển.

Sau gần 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, 5 giờ sáng 22-12 tàu HQ 561 thả neo cách đảo Đá Lát khoảng 3km để xuồng chuyên dụng đưa đoàn công tác lên đảo. Trời dần sáng, sóng bắt đầu chuyển mạnh hơn, tăng dần lên cấp 5, cấp 6. Trong điều kiện sóng to, gió lớn như vậy vào được với Đá Lát là chuyện không hề đơn giản. Loay hoay, thận trọng cả tiếng đồng hồ, tàu HQ-571 mới tìm được vị trí neo thích hợp. Các phóng viên, nhà báo và cán bộ đoàn công tác được chia thành 3 tốp, mỗi tốp 12 người lần lượt xuống xuồng chuyên dụng để vào đảo. Từng con sóng cao đến 2 mét lừng lững theo nhau ập vào mũi xuồng, khiến xuồng tung ngược lên chừng 15-20 độ. “Tất cả ngồi im!” - ai nấy mặt cắt không còn giọt máu nhưng vẫn ngồi im theo khẩu lệnh của người lái. Chỉ khi đi vào bãi san hô, xuồng chạy cân bằng trong vùng sóng nhỏ, tiếng thở phào mới nhất loạt òa ra từ những gương mặt ướt lướt thướt, chân tay tím ngắt vì ngâm nước lạnh. Phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, xuồng mới cập được cầu cảng để đưa các nhà báo, phóng viên và thành viên công tác lên đảo an toàn, sau đó lại quay trở lại để tiếp tục vận chuyển hàng hóa, quà Tết lên đảo.

 

Biết có đoàn công tác ra thăm đảo, từ sáng sớm, toàn bộ anh em cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lát đều tập trung ở cầu cảng đón khách. Đón chúng tôi từ xuồng chuyên dụng lên cầu cảng là cánh tay vạm vỡ của những người lính hải quân còn rất trẻ, khuôn mặt rám nắng với nụ cười ấm áp. Trung úy Phan Văn Bình, Chỉ huy trưởng đảo - bắt tay ôm chặt từng người trong đoàn công tác như thể người thân lâu ngày mới gặp lại.

Lãnh đạo Quân chủng Hải quân tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lát.

 

Đảo Đá Lát được xem là cửa ngõ từ đất liền ra biển Đông. Đây còn là nơi gần với tuyến đường hàng hải quốc tế với số lượng tàu, thuyền qua lại rất đông. Mặt khác, nơi đây còn là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân các tỉnh miền Trung như: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... với hàng trăm lượt tàu, thuyền qua lại mỗi ngày. Thượng úy Vũ Quang Khắc, Chính trị viên đảo Đá Lát chia sẻ: Cuộc sống, sinh hoạt của lính đảo Đá Lát và tất cả tuyến đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa gặp 2 khó khăn lớn nhất đó là nước ngọt và rau xanh. Toàn bộ nước sinh hoạt trên đảo phải khai thác từ nước mưa và mang từ đất liền ra. Tuy nhiên, những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã cải tiến dụng cụ chứa nước, tích cực tiết kiệm nên chủ động được nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, một phần dùng tăng gia sản xuất và hỗ trợ ngư dân khi thiếu nước ngọt. Vào mùa khô, các chiến sĩ đều ý thức phải sử dụng nước một cách hết sức tiết kiệm. Trước khi tắm phải rửa qua nước biển rồi mới tráng lại bằng nước ngọt, khi tráng thì đứng vào chậu để nước còn dùng lại tưới rau xanh. Nước vo gạo, rửa rau, rửa mặt…cũng đều được tận dụng để tưới rau, còn nước giặt đồ đổ vào can để dùng dội nhà vệ sinh.   

 

Câu chuyện trồng rau xanh ở đảo chìm Đá Lát cũng là cả một vấn đề, để có rau xanh trong bữa ăn hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã phải rất vất vả và vận dụng nhiều phương pháp mới giữ được từng khay rau tồn tại trong điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt. Những khi biển động, sóng cao, các chiến sĩ bê từng thùng rau chuyển vào nhà. Nếu không may nước biển ngấm vào thì rau cũng hỏng hết, anh em phải rửa mặn cho đất mới trồng lại được. Đó là chưa kể đến việc phải di chuyển cả vườn rau theo mùa, theo hướng gió để bảo quản. Nếu con sóng không quá cao, các chiến sĩ lấy bạt che phía ngoài để ngăn nước mặn chảy vào vườn rau. Còn những lúc sóng đánh lên cao 4-5 mét, nửa đêm, cán bộ, chiến sĩ phải cùng nhau khiêng khay rau vào nhà cất tránh gió muối, hôm sau lại khiêng ra lấy ánh nắng cho rau quang hợp. Mỗi khi trời mưa, các loại xô chậu lại được huy động ra hứng nước vừa để sinh hoạt vừa lấy nước tưới rau.

 

Rau xanh trên đảo Đá Lát được các chiến sĩ chăm sóc cẩn thận.

 

Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng nói đến tinh thần, ý chí sẵn sàng chiến đấu thì bộ đội Đá Lát luôn là đơn vị mẫu mực. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn sát cánh động viên nhau nỗ lực vươn lên, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải quân cho biết: Hiện nay, đảo đã được trang bị hệ thống điện gió, điện mặt trời, hệ thống thu phát sóng vệ tinh, sóng điện thoại, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, đưa đảo gần hơn với đất liền. Nhiều năm gần đây, Đá Lát luôn là một trong những điểm sáng về công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển. Mỗi năm, bác sĩ quân y trên đảo đã khám, cấp thuốc và sơ cứu cho khoảng 65 lượt ngư dân đánh cá trên vùng biển, cấp hàng trăm khối nước ngọt cùng nhiều rau xanh, thực phẩm, giúp đỡ, hỗ trợ bà con gặp nạn lúc sóng to, gió lớn…

 

Những việc làm bình dị mà cao quý của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lát đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh người chiến sĩ hải quân trong lòng nhân dân. Qua đó giúp ngư dân các tỉnh ấm lòng hơn, tin tưởng hơn, ngày đêm bám biển và phối hợp với các lực lượng vũ trang kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.