Góp Xuân với đồng bào nghèo

10:48, 19/01/2017

Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 đã rất gần với tinh thần không để người nghèo phải đón Xuân trong túng khó, nên gần suốt tháng áp Tết Nguyên đán, cả xã hội chung tay, góp sức sẻ chia, giúp đỡ người nghèo có thêm chiếc bánh chưng xanh, mâm cỗ đặt lên ban thờ gia tiên, trong đó có Ban Dân tộc tỉnh.

Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban chia sẻ: Thái Nguyên còn nhiều gia đình đồng bào người dân tộc thiểu số nghèo, nhưng “sức có hạn”, nên Ban đã lựa chọn những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhất để tặng quà Tết. Thay vì mua mứt, bánh, kẹo, rượu vang trước đây, năm nay Ban trao quà trực tiếp cho đồng bào bằng tiền mặt.

 

Trong màn mưa lạnh tôi đã gặp rất nhiều cảnh đời thiếu khó lầm lụi mang gánh củi, mớ rau, quả trứng về chợ phiên bán đổi, với mong mỏi giản đơn, cả nhà có bữa ăn tươm tất ngày Tết. Vậy nên khi được nhận quà tết, đã có không ít người nghẹn ngào, rơi nước mắt. Ông Dương Văn Xênh, xóm Liên Phương; ông Hoàng Văn Sống, xóm Khe Cạn, là những hộ người Mông nghèo của xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) cho biết: Quà xuân gia đình nhận được là 500 nghìn đồng. Với số tiền này, tôi có thể mua được hơn 40 kg gạo ăn cho cả nhà, hoặc mua được 7 kg thịt lợn Tết hay mua áo mới cho các cháu.

 

Ông Xênh, ông Sống là một trong gần 300 hộ gia đình đồng bào người dân tộc thiểu số nghèo ở tỉnh được nhận quà Tết của Ban Dân tộc. Dù số tiền không nhiều, nhưng thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc vùng khó khăn.

 

Với quyết tâm toàn bộ số quà xuân phải đến được tay hộ nghèo trước Tết Nguyên đán, nên cán bộ tại một số phòng chuyên môn của Ban Dân tộc tranh thủ làm việc thêm vào ban đêm, để cùng nhau mang quà xuân đến những địa chỉ cần được giúp đỡ. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành (Định Hóa) cho biết: Xã có 1.129 hộ, trong đó có 668 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 59,1%). Vì còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo, nên xã chỉ đạo cho từng xóm thực hiện bình xét, chọn 20 hộ đặc biệt khó khăn để Ban Dân tộc tỉnh trao quà Tết. Như trường hợp anh Nịnh Văn Chinh, xóm Đồng Đình, năm 2014, bị núi đổ làm sập nhà. Anh Chinh bị đất đá đè cụt chân phải. Trường hợp bà Nguyễn Thị Cương, xóm Đồng Danh, có chồng là ông Ma Khánh Cương đau ốm quanh năm. Cuộc sống của cả gia đình gồm 6 khẩu trông vào 1,5 sào ruộng. Rồi như ông Trần Sách, ở xóm Cây Cóc nhà có 2 vợ chồng già sắp “Thất thập cổ lai hy”… Vừa khi đó, bà Hoàng Thị Hiển, xóm Cây Thị tập tễnh đến nhận quà Tết. Bà Hiển cho biết: Tôi bị bệnh thần kinh tọa, từ 4 năm gần đây không làm được gì. Tôi đã đi bộ 5 cây số trong mưa lạnh để nhận quà Tết. Với tôi, đây là món quà của ân nghĩa.

 

Những ngày mưa cuối năm nước làm các trục đường ướt nhèm nhẹp và mang theo khí lạnh, nhưng ở khu vực nhà làm việc của UBND xã Bình Yên đã có mặt khá đông đủ các hộ có tên trong danh sách nhận quà Tết. Bà Triệu Thị Chinh, cán bộ văn hóa xã cho biết: Hiện xã Bình Yên còn 260/955 hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, thiếu sức lao động và do trong nhà thường xuyên có người bị đau ốm… Ôm món quà xuân vào ngực, bà Ma Thị Gắt, xóm Thẩm Rộc thủ thỉ: Thế là Tết này nhà tôi bớt nhiều khó khăn. Còn ông Ma Khắc Hồ, xóm Nạ Pục và các bà La Thị Hòa, xóm Nạ Riệng; Ma Thị Hường, xóm Rèo Cái; Ma Thị Động, xóm Đá Bay muốn sẻ chia một câu gì đó, nhưng cổ họng tức nghẹn.

 

Tôi không dám hỏi nhiều, vì biết rằng trong số các hộ đồng bào dân tộc nghèo đều đã phấn đấu vươn lên, nhưng vì nhiều lý do khác nhau khiến bản thân họ chưa thể thoát. Cũng trong dịp áp Tết Nguyên đán này, tôi còn được chứng kiến những học sinh ngoan, con nhà nghèo vượt khó học giỏi của Trường THPT Bình Yên được nhận quà. Em Ma Thị Hồng Diệu, lớp 9A3 tay cầm gói quà, môi mím chặt kìm nén xúc động. Rồi hứa sẽ cố gắng học tập tốt để không phụ công ơn cha mẹ, thầy cô. Cô Hiệu trưởng Nông Thị Hảo cho biết: Nhiều học sinh của Trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng luôn cố gắng vươn lên trong học tập, như các em: Lý Thị Hoài, lớp 6A3, mồ côi; Ma Thị Loan, lớp 7A3, mồ côi; Trần Thị Anh, lớp 8A3, bị u hạch, đã mổ nhiều lần nhưng bệnh chưa khỏi… Phần quà nhận được lần này, các em sẽ mang về góp xuân cùng người thân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2017.

 

Cũng ở huyện Định Hóa, khi đến xã Sơn Phú, chúng tôi gặp những mong mỏi chờ đợi của các hộ đồng bào nghèo. Chị Ma Thị Hảo, xóm Làng Phẩy bế trên tay đứa con nhỏ 16 tháng tuổi cứ tần ngần, mãi rồi chị cũng nói: Với người nghèo chúng tôi, có được số tiền này là cả một mơ ước cho 3 ngày Tết. Còn ông Phương Đình Ứng, xóm Cây Hồng và bà Trần Thị Đào, thôn Tiếp Tế phấn chấn: Thế là nhà chúng tôi có cái Tết ấm áp rồi.

 

Xuân đã về bên thềm nhà, những bận rộn lo toan áo cơm được gác lại, để nhà nhà lo 3 ngày Tết, cùng chúc nhau thịnh vượng, mong xuân sau được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo.