Thắp sáng xóm bản rẻo cao

16:55, 02/01/2017

Văn Lăng là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ. Đặc biệt, các xóm xa trung tâm xã như Liên Phương, Bản Tèn, Tân Sơn… đường sá đi lại khó khăn, thiếu điện sản xuất, sinh hoạt. Nhưng đời sống của người dân nơi đây sẽ dần được cải thiện khi điện lưới Quốc gia đang được kéo về.

Vừa lên trụ sở Công an xã làm thủ tục tách khẩu xong, anh Đặng Văn Tiến lập tức chạy xe máy xuống Nhà văn hoá xóm Tân Sơn để kịp ký hợp đồng sử dụng điện. Tại đây, có hàng chục người dân đang được cán bộ ngành Điện hướng dẫn kê khai, hoàn thiện hồ sơ và thực hiện ký hợp đồng cung cấp, sử dụng điện. Mặc dù đã gần trưa nhưng không khí làm việc vẫn diễn ra khá nhộn nhịp, khẩn trương.

 

Ký xong bản hợp đồng, anh Tiến phấn khởi: Vợ chồng tôi mặc dù đã ra ở riêng nhưng vẫn chung hộ khẩu với bố mẹ. Hôm nay, nhân việc lắp đường điện nên tôi lên xã làm thủ tục tách khẩu để ký hợp đồng với cán bộ, kéo đường dây điện riêng cho nhà mình.
Anh Sơn cho biết thêm, do nhà ở các xa trung tâm xóm nên chưa được Nhà nước đầu tư dựng cột, kéo dây về gần nhà. Vì “khát” điện quá, vài năm trước, mấy hộ quanh đó rủ nhau chung tiền tự kéo điện từ xóm Tân Lập về dùng. Tính ra mỗi nhà mất 6, 7 triệu đồng nhưng vì quãng đường xa trên 2km nên điện rất yếu. Anh Trần Trọng Hải, xóm Tân Sơn góp chuyện: Điện tự kéo chỉ đủ thắp sáng chứ không phục vụ cho sản xuất. Bấy lâu nay, máy xay xát, máy bơm nước… của gia đình tôi đều phải chạy bằng xăng, dầu nên chi phí cao. Nay điện được kéo về gần nhà vui quá, không lo phải lo mua nhiên liệu, chi phí sản xuất chắc chắn sẽ thấp hơn.

 

Được biết, Dự án đưa điện về các xóm, bản vùng sâu, xa của xã Văn Lăng nằm trong Chương trình Dự án Cấp điện cấp điện cho nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Dự án xây dựng mới trên 5km đường dây trung thế, 4 trạm biến áp phân phối và gần 20km đường dây hạ thế với tổng số vốn đầu tư hơn 10,6 tỷ đồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ cấp điện cho gần 700 hộ dân thuộc các xóm Tân Sơn, Tân Thịnh, Bản Tèn, Khe Quân, Liên Phương, Vân Lăng, Tam Va. Đây cũng là Dự án khởi đầu cho cho việc thực hiện Chương trình Dự án Cấp điện nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh (chủ yếu triển khai tại các xóm, bản chưa có điện thuộc 2 huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai). Dự án được khởi công vào ngày 19-8-2016, nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn đã hoàn thành xong đường dây trung thế và trạm biến áp Tân Thịnh 2 cùng 4,1 km đường dây hạ thế, cấp điện cho 131 hộ dân của 2 xóm Tân Sơn, Tân Thịnh. Và ngày 16-12 vừa qua, Công ty Điện lực đã cho đóng điện tại trạm biến áp này trong sự chứng kiến, vui mừng, phấn khởi của người dân. Niềm vui như được nhân lên khi các hộ được kéo điện đúng trong tháng ngành Điện tri ân khách hàng. Bà con không những được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đưa điện về nhà mà có cán bộ đến xóm hướng dẫn, ký hợp đồng mua bán điện với đại diện từng hộ. Riêng đối với hộ nghèo được miễn phí công lắp đặt và dây, công tơ. Những hộ khác không thuộc diện nghèo cũng chỉ phải trả chi phí thấp nhất với tổng số tiền trên 400 nghìn đồng.

 

Đối với Văn Lăng, Liên Phương và Bản Tèn vẫn là 2 xóm xa và khó khăn nhất do địa hình núi rừng hiểm trở, đường đi chưa được thông thuận nên việc chở nguyên vật liệu tốn nhiều công sức. Thế nhưng, với quyết tâm đưa điện lưới Quốc gia về đến tất cả các xóm, bản của xã Văn Lăng trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 nên những ngày này việc xây trạm biến áp, dựng cột, kéo đường dây hạ thế về các xóm, bản xa càng trở nên khẩn trương, gấp rút hơn bao giờ hết. Điều này cũng được đại diện Công ty Điện lực Thái Nguyên cũng đã mạnh dạn phát biểu tại buổi lễ đóng điện trạm biến áp Tân Thịnh 2 ngày 16-12 vừa qua rằng sẽ nỗ lực đôn đốc nhà thầu thi công để hoàn thành đóng điện trước ngày 17-1-2017 (tức ngày 20-12 Âm lịch). Vậy là, chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, Bản Tèn không chỉ có mỗi Nhà văn hoá xóm có ánh điện (trước đây lắp pin sử dụng năng lượng mặt trời) mà cái “ánh sáng kỳ diệu ấy” sẽ có trong mỗi căn nhà giữa núi rừng mù sương.

 

Tôi nhớ lại lần lên núi Tèn vào thăm gia đình ông Vương Văn Minh, đảng viên duy nhất của bản Tèn. Nhà ông Minh đã có ti vi và một số phương tiện sử dụng điện khác từ khá lâu nhưng khi đó chỉ có giá trị… trưng bày. Ông cho biết: Trước đây nước khe nhiều đủ chạy được máy phát điện mi ni. Thế nhưng, mấy năm nay nước cạn, máy không thể chạy được nên các thiệt bị sử dụng điện cũng đành “đắp chiếu”. Còn anh Ngô Văn Vàng, Trưởng xóm Liên Phương hồ hởi: Bản xa, cuộc sống tối tăm, nghèo khổ một phần cũng là do bà con chưa có điện sử dụng. Xóm hiện có 158 hộ thì có tới 144 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo. Chắc chắn, khi có điện, cuộc sống sẽ tươi sáng hơn.

 

Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: Khi người dân biết có dự án kéo điện, ai nấy cũng vui mừng. Nhà nào có đất, cây cối nằm trong diện giải toả để dựng cột, kéo dây đều tự nguyện hiến đất để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện. Có điện rồi, chắc chắn công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành những chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước sẽ thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của bà con đi lên, bộ mặt của xã và những xóm, bản vốn được coi là khó khăn nhất sẽ từng bước khởi sắc.