Với mục đích phối hợp với các chức sắc tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức và trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ môi trường.
Giáo họ Na Lang, xã Thành Công từ nhiều năm nay được biết đến là một trong những mô hình điểm của T.X Phổ Yên về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt là phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Xuân Đoàn, Trưởng ban hành giáo Giáo họ Na Lang chia sẻ: Định kỳ 2 lần mỗi tháng, các gia đình theo đạo Công giáo đều cùng với nhân dân địa phương tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm, dọn dẹp vệ sinh quanh nơi ở. Trong các buổi sinh hoạt của Giáo họ, chúng tôi cũng đã vận động bà con giáo dân thu gom bao bì thuốc trừ sâu đúng nơi quy định, đào hố chôn lấp rác trong vườn nhà, tuyên truyền giáo dân có ý thức tham gia bảo vệ môi trường.
Nói về sự tham gia của các tôn giáo vào việc bảo vệ môi trường ở địa phương, ông Nguyễn Bá Trực, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh (Phú Bình) cho hay: Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, các chức sắc tôn giáo trên địa bàn xã đã tích cực vận động, tuyên truyền để bà con giáo dân và người có đạo từng bước thay đổi nhận thức, hành vi về bảo vệ môi trường. Các tôn giáo đã tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong xã khuyến khích bà con giảm bớt việc sử dụng các loại phân bón hóa học, hóa chất trong sản xuất nhằm giảm thiểu sự tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời sử dụng các loại phân bón hữu cơ và trồng những loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thân thiện với môi trường…
Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh thông tin: Có một điều dễ nhận thấy là ở đâu có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tham gia cùng MTTQ và ban hành nghị quyết, kế hoạch hành động cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng mô hình tự quản bảo vệ môi trường, thì ở đó phát huy được trách nhiệm, ý thức tự giác của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Trong đó, không thể không kể đến sự vào cuộc tích cực của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong việc vận động chức sắc tôn giáo, tín đồ, giáo dân tham gia vào các hoạt động thiết thực như: quét dọn đường làng ngõ xóm, phân loại rác thải, thu gom rác đúng nơi quy định, bảo vệ nguồn nước, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp...
Để kêu gọi sự tích cực tham gia hơn nữa của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với Sở Tài nguyên và Môi trường, các tôn giáo. Trong đó, các tôn giáo cam kết sẽ tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ, người dân trong khu dân cư không xả rác bừa bãi ra môi trường; trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên gia đình và khu vực công cộng; hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích để trồng rau xanh, cây ăn quả, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt...
Ngay sau khi ký cam kết, Ủy ban MTTQ tỉnh đã đề ra kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng tôn giáo. Trong đó có các giải pháp nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các cộng đồng tôn giáo, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo xây dựng mô hình điểm tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhân rộng các mô hình này ở cộng đồng phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của mỗi tôn giáo. Mặc dù chỉ mới được triển khai 2 tháng, nhưng nhiều cơ sở tôn giáo đã xây dựng được các mô hình về bảo vệ môi trường như: mô hình thay đổi nhận thức về sử dụng thuốc trừ sâu ở xã Yên Đổ (Phú Lương); mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở xã Tân Khánh (Phú Bình); mô hình tín đồ Phật giáo tham gia bảo vệ môi trường ở chùa Huống, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ)... Những mô hình này tuy mới chỉ được triển khiai bước đầu nhưng đã đem lại những tín hiệu tích cực về sự vào cuộc của các tín đồ, giáo dân cũng như sự tham gia của nhân dân địa phương.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng sẽ phối hợp với các tôn giáo triển khai các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, phát triển cộng đồng, trong đó có nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm riêng của mỗi tôn giáo; vận động và huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong và ngoài nước tham gia đóng góp cùng Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, góp phần xã hội hóa các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể khẳng định, sự vào cuộc của các tôn giáo là rất cần thiết trong bối cảnh vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu này càng có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống như hiện nay. Nếu mỗi tôn giáo cùng với các địa phương đều xây dựng được những mô hình bảo vệ môi trường, vận động người dân thay đổi nhận thức sẽ tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Từ đó, chắc chắn sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.