Cảnh báo nguy cơ pin phát nổ gây nguy hiểm

15:30, 11/02/2017

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn do pin phát nổ gây nguy hiểm cho trẻ em. Đáng ngại hơn, nhiều người còn chưa ý thức được về mức độ nguy hiểm của loại vật dụng quen thuộc này.

Vụ việc gần đây nhất xảy ra tại xóm Phú Thịnh, xã Tân Đức (Phú Bình). Buổi trưa ngày 27-1, cháu Đàm Quang Trung, 10 tuổi đang chơi trước cửa nhà thì bất ngờ quả pin trong tay phát nổ khiến Trung bị thương.

 

Theo lời kể của Trung, khi đó, cháu nhặt được một đoạn dây điện nhỏ ở trước cửa nhà, 2 đầu dây điện hở. Sau đó, Trung tháo cục pin trong chiếc điều khiển tivi của gia đình và dùng 2 đầu dây điện gắn vào 2 đầu cực thì bất ngờ pin phát nổ. Anh Đàm Trọng Đài, bố của cháu Trung cho biết: Khi nghe thấy tiếng nổ, chúng tôi chạy ra ngoài sân thì đã thấy con bị thương. Gia đình đã nhanh chóng đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình. Sau đó, cháu được chuyển đến Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên.

 

Theo bác sĩ Chuyên khoa I Ngô Trung Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, bệnh nhân được đưa đến viện vào 13 giờ 30 phút ngày 27-1, bụng có một vết thương lớn làm tổn thương dạ dày, đại tràng. Tay phải bệnh nhân có nhiều vết thương nhỏ, rải rác dị vật do mảnh vụn pin bắn ra, tay trái có nhiều vết thương nhỏ, nông. Ngay sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã chuyển thẳng bệnh nhân đến phòng mổ để tiến hành phẫu thuật. Sau một thời gian điều trị, đến nay, sức khỏe của cháu Trung đã ổn định, chức năng vận động đã hồi phục, chức năng tiêu hóa trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, do vết thương lớn ở bụng chưa lành nên cháu Trung vẫn cần nằm viện và điều trị.

 

Trước trường hợp của cháu Trung, ngày 23-1, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 2007, ở tại xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Trước đó, Thuận nhặt được viên pin điện thoại có in chữ nước ngoài rồi đem đấu vào mô-tơ điện của đồ chơi. Thấy viên pin có biểu hiện phồng rộp, bị mềm, cháu đã lấy tay bóp vào chỗ phồng rộp, viên pin ngay sau đó phát nổ khiến Thuận bị thương. Theo các bác sĩ điều trị, vết thương của em Thuận bị dập nát phức tạp, lộ gân xương, mạch máu, 3 ngón của bàn tay phải bị dập nát.

 

Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như đời sống xã hội, các thiết bị điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Kéo theo đó, pin cũng là sản phẩm được sử dụng ở hầu hết các gia đình.  Tuy nhiên, hầu như còn rất ít người biết và chú ý đến cách bảo quản và sử dụng pin an toàn. Thực tế 2 vụ nổ pin gây tai nạn xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, cả người lớn và trẻ em đều chưa ý thức được sự nguy hiểm của pin, các cảnh báo an toàn khi sử dụng pin cũng bị lơ là.

 

Theo nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân khiến pin phát nổ như: sạc pin trong khi đang sử dụng thiết bị, pin kém chất lượng, sử dụng không đúng cách... Một nguy cơ cháy nổ khác không thể bỏ qua là sử dụng không đúng cách, để pin quá gần nguồn nhiệt, pin bị lỗi, hỏng… đối với loại pin thường được sử dụng cho các thiết bị điều khiển từ xa, chuột dùng cho máy tính và nhiều vật dụng khác trong gia đình. Khi phát nổ, pin thường gây ra các tổn thương tương đối lớn, chưa kể một số loại pin có chứa hóa chất có thể gây bỏng, nhiễm độc cho cơ thể.

 

Các chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn nên dùng pin chính hãng có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và không để pin gần nguồn nhiệt cao, hóa chất hay va đập mạnh. Trước khi sử dụng pin cần độc kỹ các cảnh báo an toàn, không dùng pin có dấu hiệu hư hỏng. Khi sạc pin không nên nghe, gọi điện thoại vì sẽ làm pin tỏa nhiệt nhiều hơn, cộng với pin không ổn định, sẽ gây nổ rất nguy hiểm. Với loại pin sạc, phải sạc đúng cách theo hướng dẫn, dùng nguồn điện đúng công suất của pin, tránh sạc pin lâu quá. Bên cạnh đó, cần giải thích, cảnh báo cho trẻ em về sự nguy hiểm khi sử dụng pin, không nên tự ý nghịch pin, đấu nối với các thiết bị khác dẫn đến nguy cơ cháy nổ.