Chính quyền sở tại “lực bất tòng tâm”

15:34, 13/02/2017

Ngày 13-2, Báo Thái Nguyên đăng tải bài viết phản ánh thực trạng có thêm 3 hộ dân ở xóm Hòa Bình, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) phải dựng lán ra bên ngoài ở tạm do hiện tượng sụt lún, mất nước gây ra. Ngay trong sáng 13-2, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ một lần nữa khẳng định, mặc dù có quỹ đất tái định cư, song huyện không có nguồn kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) nên chưa thể di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện, Huyện đang đề nghị tỉnh hỗ trợ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, hiện tượng sụt lún, mất nước xảy ra ở khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị từ nhiều năm nay. Một số khu vực bị ảnh hưởng nhiều đã được Mỏ sắt Trại Cau (đơn vị khai khoáng quy mô lớn trên địa bàn) bồi thường, di dời đi nơi khác. Thời gian gần đây, trước thực tế trên 70 hộ dân thuộc tổ 14 thị trấn Trại Cau và 3 xóm của xã Cây Thị bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sụt lún, mất nước, huyện đã phối hợp với Mỏ sắt Trại Cau khắc phục tạm thời bằng cách bố trí cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các hộ dân vùng ảnh hưởng; cùng với Mỏ ứng trước trên 8 tỷ đồng (huyện 50%, Mỏ 50%) di chuyển khẩn cấp 8 hộ dân thuộc tổ 14 (nằm sát khu khai thác mỏ Tầng sâu Núi Quặng) ra bên ngoài. Sau khi được hỗ trợ GPMB, các hộ này tự tái định cư và hiện đã ổn định cuộc sống. Với những trường hợp còn lại, huyện chỉ đạo xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, nắm bắt, phát hiện tình huống khẩn cấp, kịp thời báo cáo để huyện có phương án xử lý.

 

Trả lời câu hỏi người dân phải ở lán tạm đến khi nào, tính mạng cũng như tài sản của các hộ trong vùng ảnh hưởng sẽ ra sao và giải pháp của huyện giải quyết vấn đề này thế nào, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho hay: Huyện đã nhiều lần gửi văn bản tới Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh để báo cáo tình hình và đề nghị giải quyết thực trạng trên, bởi thẩm quyền và năng lực của huyện có hạn. Trong đó, đề nghị tỉnh cho xác định chủ thể gây ra hiện tượng sụt lún, mất nước. Đánh giá lại tác động của việc khai thác mỏ Tầng sâu Núi Quặng đến môi trường, nếu đặc biệt nghiêm trọng sẽ có hai phương án, một là đóng cửa mỏ, hai là bồi thường di chuyển các hộ dân ra bên ngoài. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để.

 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thủy, Đồng Hỷ là huyện còn nhiều khó khăn về ngân sách, không có nguồn để bố trí kinh phí hỗ trợ GPMB cho các hộ dân nói trên, nên bất đắc dĩ phải để bà con dựng lán ở tạm, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khoảng 4 tỷ đồng mà huyện ứng trước để hỗ trợ di chuyển 8 hộ dân vùng sụt lún năm 2016 giờ vẫn đang treo chưa có nguồn bù lại. Việc di chuyển, tái định cư cho các hộ dân đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, nên về phía địa phương chỉ có thể bố trí quỹ đất tái định cư (đã quy hoạch, bố trí khoảng 50 lô đất tại tổ 4, thị trấn Trại Cau), còn kinh phí bồi thường GPMB không thể kham nổi. Ông Nguyễn Văn Thủy cho biết, ngay trong ngày 13-2, UBND huyện tiếp tục có văn bản báo cáo sự việc với tỉnh để xin ý kiến, đồng thời đề nghị tỉnh xem xét và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sớm có phương án hỗ trợ di chuyển và ổn định cuộc sống của các hộ dân vùng ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Khi được hỏi, sao địa phương không sử dụng nguồn phí môi trường được trích lại cho huyện hàng năm khoảng 30 tỷ đồng, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, không thể sử dụng nguồn đó bởi theo quy định phí môi trường chỉ dành cho mục đích phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản chứ không thể cấp cho công tác giải phóng mặt bằng.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng sụt lún, mất nước ở khu vực Trại Cau lâu nay chưa được giải quyết dứt điểm một phần bởi phải chờ xác định chủ thể chính gây ra và chịu trách nhiệm bồi thường, GPMB hoặc di chuyển các hộ dân. Phía Mỏ sắt Trại Cau hiện vẫn chưa chính thức thừa nhận hoạt động khai thác mỏ của đơn vị làm ảnh hưởng đến các hộ dân thuộc các xóm Hòa Bình, Trại Cau, Kim Cương của xã Cây Thị.

 

Trước thực tế này, theo chúng tôi, việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm tuy cũng khá quan trọng, nhưng vấn đề cấp thiết lúc này chính là có ngay phương án di dời các hộ trong vùng đặc biệt nguy hiểm ra bên ngoài. Bởi, hiện tượng nứt tường, nghiêng nhà ở đây đang ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, gây tâm lý hoang mang, bất ổn đối với hàng chục hộ gia đình. Do vậy, không thể để người dân tiếp tục phải sống trong cảnh chờ đợi, lo âu kéo dài.