Từ nhiều năm nay, đoạn cuối của tuyến kênh N17-23B chảy qua cánh đồng thuộc xóm Hồng Vân, thôn Vân Trai, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) trở thành một túi chứa rách khổng lồ. Với muôn vàn loại rác thải sinh hoạt, xác động vật chết bốc mùi hôi thối nồng nặc đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sản xuất của người dân nơi đây.
Giữa trưa nắng, nhưng ông Ngô Văn Hùng, phụ trách thôn Vân Trai vẫn quyết đưa chúng tôi đi thực tế đoạn kênh “nổi tiếng” về ô nhiễm ở địa phương. Nói như vậy bởi tình trạng này đã diễn ra hơn chục năm, từ khi tuyến kênh N17-23B đi vào hoạt động và mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Phải rất cố gắng, chúng tôi mới có thể đi bộ hết đoạn kênh dài gần 1km bởi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ông Ngô Văn Hùng bảo: Đợt này đỡ nhiều rồi đấy, bởi từ tháng 11 năm ngoái đến giờ chúng tôi đã tổ chức 4 đợt nạo vét kênh để lấy nước làm đồng. Rác thải bẩn thỉu và hôi thối nên chẳng ai dám động tới, chỉ có cán bộ các đoàn thể của xóm vì trách nhiệm nên phải xắn tay vào làm. Mặc dù đã được vớt lên một phần để phơi khô trước khi đốt hoặc vận chuyển đi nhưng dưới lòng kênh vẫn còn rất nhiều rác. Đặc biệt, chúng tôi đếm được gần chục xác động gồm: Lợn, chó và gà đang thối rữa, bốc mùi mạnh và ruồi nhặng bâu kín. Ông Hùng thông tin thêm: Riêng vụ xuân năm ngoái, xã đã hỗ trợ kinh phí và quỹ thôn bỏ ra tổng cộng 15 triệu đồng để thuê vớt và chở 50 xe tải rác (tương đương 200 tấn) chuyển đi nơi khác. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn rác từ đầu nguồn lại trôi về lấp kín. Xác các loại động vật chết trôi về cũng rất nhiều, xóm phải thường xuyên vớt lên rồi đem chôn.
Kênh ngập tràn rác thải đã ảnh hưởng lớn sinh hoạt và sản xuất của người dân. Theo thống kê, có khoảng 4.000m2 đất ruộng dọc kênh thuộc cánh đồng xóm Hồng Vân đã phải bỏ không vì rác thường xuyên tràn vào. Nhất là vào thời điểm mùa mưa khi mực nước kênh dâng cao. Bà Nguyễn Thị Chi, người dân xóm Hồng Vân chỉ biết kêu trời: Nhà tôi chỉ có 3 sào ruộng thì đến một nửa giờ không canh tác được nữa. Thiệt hại kinh tế không nhỏ. Ông Ngô Thượng Hoàn cho biết: Nhà tôi ngay sát cống nên rác ùn ứ lại rất nhiều, mùi hôi thối nồng nặc nên lúc nào cũng phải đóng cửa im ỉm. Chó mèo nhiều khi tha rác, xác động vật chết về vương vãi khắp sân vườn, rất bẩn thỉu. Cũng ví lý do này mà việc chăn nuôi của các hộ dân trong khu vực thường không mấy hiệu quả, thường xuyên bị dịch bệnh.
Ông Trần Hồng Sơn, người dân xóm Vân Trai khẳng định: Khu vực xóm Hồng Vân nằm ở cuối kênh N17-23B, lượng rác chủ yếu dồn về từ phía xã Đông Cao, Tân Hương và một phần của Nhà máy điện tử Samsung. Với tư cách là đại biểu HĐND xã, tôi đã nhiều lần kiến nghị với xã và các cơ quan chức năng để có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nhưng đều chưa hiệu quả.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Tân Phú cũng thừa nhận: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại xóm Hồng Vân đã tồn tại từ nhiều năm nay. Hiện xã đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khai thác thủy lợi của Thị xã để phối hợp giải quyết. Trước mắt có thể xây dựng một bể chứa thông với kênh để dồn rác thải vào đó, đồng thời đề nghị hỗ trợ địa phương kinh phí để thu gom và vận chuyển đến bãi xử lý tập trung. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, điều quan trọng là người dân vùng đầu nguồn cần nâng cao ý thức, không đổ rác tràn lan xuống lòng kênh thì phía cuối nguồn sẽ không phải chịu hậu quả ô nhiễm như hiện nay.