Cố gắng làm người có ích

15:04, 22/03/2017

Thấy tôi hỏi đường đến nhà chị Trần Thị Thúy Hà, huyện Đồng Hỷ, nhiều người ái ngại, bảo: Chắc lại “ếch” chứ gì. Tận khi gặp tôi mới biết, từ gần 10 năm nay, ngôi nhà của chị Hà được nhiều người bị nhiễm HIV thường xuyên qua lại, gặp gỡ, trao đổi kỹ năng sống, nên người dân trong vùng ngầm “mặc định”, đó là một địa chỉ dành cho những người bị lây nhiễm HIV.

Chị Hà nói tự tin: "Đừng nghĩ người mắc bệnh HIV/AIDS là không còn có ích cho xã hội. Vì thực tế tôi và các bạn đồng đẳng của mình đang tích cực tuyên truyền, góp phần đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh, cùng hướng tới tương lai không có người bị nhiễm HIV mới".

 

Những người đến gặp chị thường đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Họ bị lây nhiễm HIV qua nhiều đường khác nhau, chủ yếu do tiêm chích ma túy và tình dục không an toàn. Nhưng khi phát hiện, hầu hết trong số họ đều rơi vào trạng thái tâm lý chán nản, bất cần, muốn trả thù đời, thậm chí muốn tự sát. Chị Hà tâm sự: Tôi sinh ra ở làng, lớn lên cùng công việc đồng áng, rồi lấy chồng, sinh con. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ bị mắc căn bệnh thế kỷ. Vậy mà khi bị đi ngoài cả tuần mà chẳng có thuốc gì cầm được, sức khỏe suy kiệt, tôi mới đi bệnh viện chạy chữa. Cũng ở bệnh viện, tôi đã chết điếng người khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm có dương tính với HIV, đó là năm 2004, tôi 32 tuổi.

 

Chị đau đớn nghĩ đến chồng - người bạn đời lại là thủ phạm gieo vào chị căn bệnh thế kỷ.

 

Không hờn ghen như bao thường tình, chị trấn tĩnh hỏi chồng: Anh bị lây nhiễm HIV lâu chưa? Anh Đinh Mạnh Cường, chồng chị thở dài: Chừng 3 năm, vì đó là lần duy nhất tôi sử dụng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện cùng phòng trọ. Tôi thề với em, dù là thằng nghiện có HIV, nhưng chưa bao giờ tôi phản bội em để chạy theo bóng hồng khác.

 

Chị cúi mặt giấu chồng phút giây yếu mềm. Rồi chợt như có một sức mạnh vô hình khiến chị rắn rỏi hơn. Chị động viên chồng cùng đăng ký tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Vòng tay nhân ái, Câu lạc bộ dành cho những người có HIV ở huyện Đồng Hỷ. Cũng từ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, chị được gặp gỡ những người đồng cảnh, cùng chia sẻ mọi niềm đau để vơi nguôi dòng nước mắt mỗi ngày.

 

Chị động viên chồng uống thuốc ARV, đồng thời thực hiện quyết tâm giúp chồng cai nghiện. Vậy là hằng ngày chị lặng lẽ bón cho chồng từng thìa cháo, giúp chồng có niềm tin làm lại cuộc đời. Nhưng sau mỗi lần cai nghiện, được ít tháng chồng lại bị bạn xấu lôi kéo, tái nghiện.

 

Điệp khúc cai nghiện - tái nghiện lặp lại nhiều lần làm kinh tế gia đình thêm khánh kiệt. Nhưng chị, người đàn bà giàu nghị lực và lòng vị tha không chấp nhận thua cuộc. Chị bươn bả lo toan gạo, mắm cho cả nhà; động viên các con đi học, và lại lần nữa giúp chồng cai nghiện. Từ năm 2005 đến hết năm 2014, chị 12 lần giành lại chồng từ “ả phù dung”, có năm chị giúp chồng cai nghiện 3 lần. Chị tự tin: Nếu chồng tiếp tục tái nghiện, tôi sẽ tiếp tục cai nghiện cho anh ấy.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Một số chị em có chồng nghiện ma túy, đòi ly hôn, chị đến nhà động viên, chia sẻ, rồi đưa ra lời khuyên phù hợp với từng hoàn cảnh. Nhiều lần chị phải lấy mình làm ví dụ với chị em, phân tích cho chị em hiểu về quyền lợi, vai trò của người phụ nữ trong gia đình.

 

Nhờ uống thuốc ARV đều đặn, đúng giờ, nên chị khỏe mạnh như bao người bình thường khác. Cũng vì thế chị có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ người có HIV sống lạc quan, tích cực tuyên truyền để xã hội không phát sinh người nhiễm HIV mới.

 

(Tên nhân vật đã được thay đổi)