Góp phần bảo đảm sức khoẻ của người lao động

17:21, 31/03/2017

“Trong môi trường sản xuất công nghiệp, bảo đảm sức khỏe của người lao động chính là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo đảm chất lượng sản phẩm”- Ông Kim Jae Kyong, Giám đốc điều hành phụ trách bếp ăn tập thể Công ty Glonics (Hàn Quốc) tại phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên nói với chúng tôi như vậy..

Quý I 2017, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) các bếp ăn cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả kiểm tra 20 bếp ăn của các nhà máy cho thấy, các doanh nghiệp đều dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, sức khỏe người lao động. 100% bếp ăn chấp hành nghiêm chỉnh việc khám sức khỏe hàng năm với đội ngũ đầu bếp, cấp dưỡng và các bếp ăn đều đầu tư các thiết bị kiểm tra nhanh các tác nhân, độc tố với nguồn thực phẩm trước khi đưa vào chế biến. Hệ thống bếp ăn các nhà máy đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp các thiết bị chế biến, bảo quản, lọc nước và làm vệ sinh công nghiệp tự động, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa dụng cụ chế biến, dụng cụ ăn uống với môi trường bên ngoài, cách ly với bụi, hơi thở và tay người trước khi đưa đến bàn ăn.

 

Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Các doanh nghiệp hiện nay đã rất chú trọng vào việc cải thiện môi trường làm việc cho công nhân, bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Với các dây chuyền sản xuất đòi hỏi kỹ thuật cao, qua đào tạo, chỉ khuyết vài vị trí, hoặc không may xảy ra các vấn đề về mất VSATTP thì có thể cả ca làm việc phải dừng, sản xuất đình trệ… ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh, nên người sử dụng lao động luôn coi trọng chất lượng các bữa ăn. Ví dụ như Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn, năm 2017 đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nâng cấp các thiết bị vệ sinh, an toàn cho bếp ăn. Mỗi khâu chế biến đều có dụng cụ chuyên dụng riêng, găng tay, áo, mũ cho người chế biên được phân biệt theo từng màu khác nhau cho từng khâu. Hoặc như bếp ăn tập thể của Công ty Glonics, toàn bộ nguồn thực phẩm đầu vào được ghi rõ nguồn gốc, nhật ký và người cung cấp, người vận chuyển và phương tiện vận chuyển, quy trình giám sát chặt chẽ. Năm 2016-2017, Công ty đầu hàng chục tỷ đồng nâng cấp hệ thống làm mát, bảo ôn, xét nghiệm nhanh, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn hàng ngày cho trên 7.000 suất ăn”.

 

Tuy nhiên, thực tế quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về VSATTP tại bếp ăn cho công nhân cũng bộc lộ một số vấn đề cần được chấn chỉnh, đó là: bếp ăn sau công nhận đạt chuẩn thì cần giữ chuẩn và nâng chuẩn. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ phụ trách công tác nhân sự của Công ty Glonics cho biết: “Đơn vị được chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp giám sát công tác VSATTP nên rất sát sao và khắt khe, song hiện trên thị trường có nhiều đơn vị tư vấn, khám sức khỏe cho đội ngũ làm việc tại bếp ăn cùng đến tham gia hợp đồng thực hiện khám, tư vấn sức khỏe, trong khi Công ty lại không có cán bộ chuyên môn sâu để phân biệt được đơn vị nào đủ năng lực và có điều kiện thực hiện nhiệm vụ này. Có những đơn vị chỉ thực hiện được một số chức năng của ngành Y, nên không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận sức khoẻ theo quy định VSATTP, nên họ lại đi thuê đơn vị khác và chứng nhận lại do đơn vị hợp đồng ban đầu đóng dấu cấp… Như vậy, xét về tính pháp lý là chưa đúng. Cũng có những loại xét nghiệm không cần thiết trong quy định về VSATTP lại được các đơn vị làm dịch vụ khám sức khỏe bắt buộc công nhân phải thực hiện”. Trao đổi về vấn đề này, ông Lý Văn Cảnh cho biết: “Các đơn vị thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho người lao động, nhất là trong lĩnh vực VSATTP là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp lựa chọn đơn vị làm dịch vụ cần bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ và quan trọng hơn là phải quan tâm liên tục, tránh hình thức, đối phó và nặng về các thủ tục mang tính hành chính. Doanh nghiệp, bếp ăn tập thể phải coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, như vệ sinh cá nhân hàng ngày”.