Khó khăn trong công tác phòng, chống Lao tại cộng đồng

07:35, 24/03/2017

Với con số trung bình từ 900 đến 950 bệnh nhân Lao mọi thể được phát hiện mỗi năm, trong đó có khoảng 400-500 bệnh nhân có vi khuẩn lao trong đờm, Thái Nguyên vẫn nằm trong nhóm tỉnh có số lượng người mắc lao tương 54đối lớn. Trong khi đó, công tác phòng, chống lao tại cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế..

Việc phát hiện bệnh Lao muộn không chỉ gây khó khăn cho điều trị mà còn khiến nguy cơ lây lan trong cộng đồng tăng cao. Theo các chuyên gia, một người mắc Lao có ho khạc ra vi khuẩn trong đờm nếu không được điều trị, trong một năm có thể khiến cho 10-15 người khác bị lây nhiễm, trong số đó, có thể có từ 1-2 mắc Lao. Nếu hiện tượng này kéo dài, có thể khiến số người mắc lao trong cộng đồng tăng nhanh.

Những năm qua, Chương trình phòng, chống Lao luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, mạng lưới chống Lao trên địa bàn tỉnh vẫn đang được duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả, đáp ứng cơ bản việc khám, phát hiện và điều trị lao tại cơ sở. Hiệu quả công tác điều trị lao được nâng cao khi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh được đầu tư, trở thành một trong những cơ ở y tế hiện đại hàng đầu trong cả nước về điều trị Lao.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khâu phát hiện và quản lý bệnh trong cộng đồng. Trong số 948 bệnh nhân lao mọi thể được phát hiện và thu dung trong năm 2016, chỉ có khoảng 40% được phát hiện từ tuyến cơ sở. Đặc biệt, những ca được phát hiện mắc Lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thường là những trường hợp mắc bệnh không điển hình, khó chẩn đoán, tuyến cơ sở không phát hiện ra bệnh.

 

Bác sĩ Hà Thị Ngọc Huyền, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Nhiều bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện sau khi đã điều trị các bệnh liên quan đến phổi, phế quản tại các cơ sở tuyến dưới không khỏi. Đa phần những trường hợp này, cả bác sĩ và người bệnh đều không nghĩ đến nguyên nhân do vi khuẩn lao. Song bên cạnh đó cũng có nhiều bệnh nhân còn chủ quan không đi khám bệnh sớm nên khi phát hiện ra bệnh điều trị rất khó khăn.

 

Theo bác sĩ Ngô Thị Thu Tiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên thì: Hiện nay, các tổ chống lao được đặt tại trung tâm y tế tuyến huyện. Trong khi các đơn vị này không có chức năng khám, chữa bệnh nên rất ít khi người dân tìm đến. Mặt khác, tổ chống lao của 9 huyện, thành, thị có trình độ chuyên môn không cao, thiếu bác sĩ chuyên ngành Lao lại kiêm nhiệm nhiều công việc khác, phương tiện xét nghiệm sơ sài, chỉ có kính hiển vi nên không thể phát hiện ra những người mắc lao ở giai đoạn sớm. Điều này khiến cho việc phát hiện bệnh nhân, quản lý và điều trị ngoại trú còn nhiều hạn chế, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Còn tại bệnh viện tuyến huyện hay trạm y tế xã, các cán bộ y tế thường ít chú ý đến nguyên nhân do vi khuẩn lao mà thường chỉ định cho bệnh nhân điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thông thường. Hậu quả là bệnh nhân thường chỉ được phát hiện mắc lao khi tình hình bệnh đã khá nặng, các tổn thương biểu hiện rõ ràng và có nhiều biến chứng.

 

Một khó khăn nữa khiến công tác phòng, chống Lao trong cộng đồng còn nhiều hạn chế đó là công tác truyền thông. Được biết, từ năm 2013 đến nay, không hề có bất cứ một nguồn kinh phí nào để in tờ rơi, tài liệu tuyên truyền phát cho cộng đồng. Trong khi đó, tình hình bệnh Lao đã có nhiều thay đổi như: số ca tái phát Lao, các trường hợp Lao kháng thuốc, Lao ngoài phổi... đều tăng cao. Công tác truyền thông chủ yếu đang dựa vào hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở và đội ngũ y tế thôn bản. Do công tác truyền thông chưa được thực hiện thường xuyên và hiệu quả đầy đủ dẫn đến việc người dân chưa ý thức tốt trong công tác phòng, chống bệnh Lao nên còn mặc cảm giấu bệnh hoặc không điều trị đúng cách gây khó khăn cho công tác phát hiện nguồn lây cũng như quản lý và điều trị bệnh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Điều này được thể hiện khá rõ, khi đa số bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã chuyển qua giai đoạn khá nặng.

 

Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Hiện nay, tại Thái Nguyên, tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85-90%, đạt và vượt so với yêu cầu của Chương trình chống Lao quốc gia đề ra là 85% trở lên. Nhưng để mỗi bệnh nhân hiểu rõ tác hại của bệnh và điều trị kịp thời thì công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa, làm cho toàn dân thực sự chung tay góp sức vào công tác phòng chống Lao một cách tích cực.