Thời gian này, tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tiến hành điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính và thành lập các phường thuộc T.P Thái Nguyên theo đúng lộ trình đã định. Đây là chủ trương lớn mang ý nghĩa quan trọng không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn góp phần nâng tầm vị thế đô thị trung tâm hành chính của Thái Nguyên.
Phát triển đô thị hai bên sông
Sau khi hoàn thành điều chỉnh, T.P Thái Nguyên sẽ tăng từ 27 đơn vị lên 32 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, trong đó tăng từ 19 phường lên 21 phường, từ 8 xã lên 11 xã. Diện tích tự nhiên của thành phố cũng sẽ tăng từ trên 170km2 lên trên 222km2; dân số tăng từ 317.580 người lên 362.921 người. |
Cuối năm 2016, T.P Thái Nguyên chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035. Theo đó, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh được mở rộng về phía Đông và phía Bắc, bao quanh dòng sông Cầu thơ mộng đoạn chảy qua địa bàn thành phố. Như vậy, diện tích của T.P Thái Nguyên được mở rộng thêm hơn 5.243ha, gồm diện tích tự nhiên của các xã: Sơn Cẩm (Phú Lương), Linh Sơn, Huống Thượng, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) và Đồng Liên (Phú Bình).
Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay lợi thế dòng sông Cầu chưa được thành phố khai thác và phát huy hiệu quả. Đô thị chỉ phát triển lệch về phía bờ hữu sông Cầu, hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu quy củ. Việc điều chỉnh theo hướng mở rộng thành phố về phía Đông và phía Bắc để phát triển đô thị hai bên sông theo hướng trên bến, dưới thuyền là đòi hỏi cần thiết và phù hợp với sự phát triển tự nhiên. Gần đây, tỉnh ta đã mời gọi đầu tư thành công một dự án có đặc tính vừa trị thủy, vừa phát triển đô thị hai bờ sông Cầu với mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây là điều kiện quan trọng để hiện thực hóa chủ trương mở rộng thành phố.
Chúng ta đều biết, vị trí của tỉnh và của T.P Thái Nguyên hiện nay trong cực phát triển kinh tế vùng Thủ đô là hết sức quan trọng. Cũng trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định Thái Nguyên có vị trí quan trọng và T.P Thái Nguyên là đô thị hạt nhân của cực phát triển vùng. Bởi vậy, việc mở rộng thành phố ngoài khai thác tiềm năng, lợi thế của đô thị bên sông còn là đòi hỏi cấp thiết cho một lộ trình nâng tầm vị thế của cả tỉnh.
Việc mở rộng thành phố cũng được xem là cơ hội để trung tâm hành chính của tỉnh có điều kiện phát triển thành đô thị sinh thái, có chức năng tổng hợp, góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của tỉnh. Đây còn là cơ sở để thành phố thống nhất quản lý không gian đô thị hai bờ sông Cầu, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.
Phương án điều chỉnh phù hợp
Để hiện thực hóa chủ trương mở rộng T.P Thái Nguyên, những ngày qua, Ban Chỉ đạo điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án điều chỉnh cụ thể. Theo đó, điều chỉnh toàn bộ địa giới hành chính xã Sơn Cẩm, gồm diện tích 16,9km2, dân số trên 13.200 người dân về thành phố; chuyển toàn bộ xã Linh Sơn gồm 15,49km2 và 9.720 người dân; chuyển xã Huống Thượng gồm 8,2km2 và 6.490 người dân; chuyển thị trấn Chùa Hang gồm 3,02km2 và 10.948 người dân; chuyển xã Đồng Liên gồm 8,86km2 và 4.977 người về thành phố. Ngoài ra, sẽ thành lập phường Đồng Bẩm thuộc T.P Thái Nguyên trên cơ sở chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Đồng Bẩm; thành lập phường Chùa Hang trên cơ sở từ thị trấn Chùa Hang trước đây.
Do thị trấn Chùa Hang là huyện lỵ của Đồng Hỷ, nơi đặt trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị cấp huyện nên khi điều chỉnh phải thực hiện di dời trụ sở làm việc. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã và sẽ có kế hoạch cụ thể để việc di dời trung tâm hành chính của huyện lên vị trí xã Hóa Thượng sớm, thuận lợi. Trong thời gian đầu chưa di dời, huyện Đồng Hỷ vẫn tiếp tục sử dụng các trụ sở cho đến khi hoàn thành xây dựng khu hành chính mới.
Theo ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Còn theo đại diện Ban Chỉ đạo điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tỉnh thì do việc điều chỉnh nguyên trạng cả diện tích và dân số các xã, thị trấn về thành phố nên không làm tăng các đơn vị hành chính các cấp của tỉnh.
Trưng cầu ý kiến nhân dân
Việc điều chỉnh, mở rộng T.P Thái Nguyên là hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành, đảm bảo các điều kiện quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Mặc dù vậy, để đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch và có sự nhất trí, đồng thuận cao của người dân các địa phương trong phạm vi điều chỉnh, Ban Chỉ đạo điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các bước trưng cầu ý kiến của nhân dân. Dự kiến trong đầu tháng 4 tới sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua hình thức phát phiếu theo mẫu thống nhất do Sở Nội vụ chuẩn bị và cấp phát đến các địa phương liên quan. Dự kiến, tỉnh sẽ lấy ý kiến đồng loạt trong một ngày, từ 7 giờ đến 17 giờ vào ngày nghỉ. Đối với các xã: Sơn Cẩm, Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên sẽ lấy ý kiến đối với việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính về T.P Thái Nguyên; đối với thị trấn Chùa Hang, lấy ý kiến đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập phường thuộc thành phố; đối với xã Đồng Bẩm, lấy ý kiến về việc thành lập phường thuộc thành phố. Đối tượng lấy ý kiến là người đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày lấy ý kiến, có hộ khẩu thường trú tại địa bàn các xã, thị trấn nói trên. Sau khi ghi ý kiến vào phiếu theo mẫu, cử tri sẽ tiến hành quy trình bỏ phiếu theo quy định. Kết quả kiểm phiếu sẽ được báo cáo theo trình tự từ cấp xã lên huyện và tỉnh. Từ đó làm cơ sở để tỉnh triển khai các bước tiếp theo.