Những hy sinh thầm lặng

11:31, 28/03/2017

Mặc dù điều kiện làm việc còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nhân lực, song những năm qua, tập thể cán bộ Đài Khí tượng thủy văn Thái Nguyên đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao - Đó là chia sẻ của đồng chí Trần Quốc Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Thái Nguyên.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh Đài Khí tượng Thủy văn, Giám đốc Trần Quốc Hưng giải thích: Trụ sở Đài xây dựng từ những năm 1980, nhiều năm nay chưa được tu bổ nên xuống cấp nghiêm trọng. Công việc của Đài là trực và cập nhật thông tin 24/24 nhưng biên chế cả Đài vẻn vẹn có 5 người gồm 3 dự báo viên khí tượng và 2 dự báo viên thủy văn, đều có trình độ kỹ sư chuyên ngành. Các đơn vị khác thuộc Đài, như: Trạm Thủy văn Gia Bẩy cũng chỉ có 5 người; Trạm khí tượng Thái Nguyên 3 người; Trạm Khí tượng Định Hóa và Trạm Thủy văn Chã (thị xã Phổ Yên) mỗi trạm có 2 người. Do đặc thù công việc như trên nên cán bộ và quan trắc viên ở đây ít có điều kiện giao lưu với bên ngoài…

 

Nhà cửa cũ kỹ, xuống cấp, cả những trang thiết bị thiết yếu của Đài như các máy vi tính cấu hình cũng thấp, chạy chậm, chưa có bản quyền phần mềm. Có máy tính chỉ cài được WIN XP không chuyển được sang Win 7 do cấu hình không đủ, dẫn đến khó khăn trong việc cài đặt các phần mềm chuyên dụng, khai thác các sản phẩm dự báo trong nước và thế giới… Đặc biệt, nhân lực làm công tác dự báo tại Đài còn quá ít, nên để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ do cấp trên giao các cán bộ ở Đài và các trạm khí tượng thủy văn khá mệt mỏi do phải làm thêm giờ nhiều trong điều kiện làm việc chưa được cải thiện như hiện nay.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Hoàng Thị Thanh Huyền, Trưởng trạm Khí tượng Định Hóa, chia sẻ: Cũng may là em ở gần ông bà ngoại nên có thể gửi con để đêm hôm đi trực chị ạ. Chồng em làm nghề xây dựng nên đi công tác ngoại tỉnh rất nhiều, hầu như không đỡ đần gì được trong công việc và chăm lo con cái. Có hôm ông bà đi vắng, đêm hôm em phải cắp cả con lên khu vực để máy để kiểm tra nhiệt độ không khí, độ ẩm, lượng mưa… để kịp thời báo về Đài. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa bão việc theo dõi diễn biến hình thái thời tiết rất vất vả. Người bên ngoài nhìn vào cứ nghĩ công việc của chúng em nhàn hạ, nhưng thực tế không phải như vậy. Trạm chỉ có 2 cán bộ, công việc thì trực 24/24. Nếu một trong 2 người bị ốm hoặc gia đình có công việc bận thì càng khó khăn hơn.

 

Hiện nay, mạng khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh còn quá thưa thớt. Diện tích của tỉnh trên 3.562,82km2, có 2 con sông chính và hàng trăm hồ đập, trong khi đó chỉ có 2 trạm khí tượng và 2 trạm thủy văn. Đặc biệt là trên sông Công có hồ Núi Cốc diện tích lưu vực 535km2, dung tích hồ 176 triệu m3 nước, chưa có trạm thủy văn nên rất khó khăn cho công tác cảnh báo dự báo lũ cho hồ. Để theo dõi sự biến động của thời tiết và kịp thời ra các bản tin về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai thì cứ mỗi ngày phải có 3 ca trực. Mỗi ca trực cần có ít nhất 1 dự báo viên khí tượng và 1 dự báo viên thủy văn, chưa tính đến các ngày nghỉ hàng tuần, như vậy mỗi ngày cần có ít nhất 6 người trực mà thông tin dự báo vẫn mang tính cá nhân. Nghề nào cũng có sự gian nan vất vả, nhưng cái nghề dự báo sự “đỏng đảnh” của trời đất thì có lẽ là khắc nghiệt hàng đầu.- Giám đốc Trần Quốc Hưng chia sẻ.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi, các cán bộ của Đài Khí tượng Thủy văn họ khái quát về cái nghề này vinh quang đâu chưa thấy nhưng không ít gian truân. Những người chấp nhận làm nghề này (nhất là ở các trạm khí tượng, trạm thủy văn ở vùng sâu vùng xa), ít được giao lưu với xã hội trên diện rộng dẫn đến muộn vợ, chậm chồng và muộn con. Mặt khác sức ép về công việc rất lớn vì đo mây, nắng, mưa, gió, nước, nhiệt độ của đất… theo định kỳ và phải truyền số liệu đảm bảo thời gian quy định bằng mọi giá. Đặc biệt là khi thời tiết, thủy văn biến đổi bất thường. Cũng do công việc đặc thù nên ít được cộng đồng thấu hiểu và cái sự chê nhiều hơn khen. Nhưng cho dù con người có am tường đến đâu và máy móc hiện đại thì việc dự báo cũng vẫn còn những sai số nhất định nên chỉ là…"gia cát dự” như nhiều người vẫn nói. Nhất là khi sự biến đổi khí hậu ngày một gia tăng và phức tạp hơn.

 

Gian khổ của những người làm nghề khí tượng thủy văn không thể đo đếm được. Những bản tin dự báo khí tượng thủy văn mà Đài đưa ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng là minh chứng sống động nhất, chứng tỏ đội ngũ cán bộ, viên chức Đài Khí tượng Thủy văn Thái Nguyên luôn biết vượt lên mọi trở ngại gian khó trong cuộc sống và công tác, thực hiện tốt các hoạt động dự báo, thông tin khí tượng thủy văn, quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai ngày một cách chính xác và hiệu quả hơn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.