Siết chặt quản lý mua bán quân trang, quân dụng

17:12, 08/03/2017

Hiện nay, nhiều người có sở thích sưu tập, sử dụng những bộ quân phục, quân tư trang khác của các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, việc mua bán, sử dụng những mặt hàng này mà không kiểm định được thật, giả là trái quy định pháp luật và có thể bị xử phạt.

Quân trang (bao gồm: phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu và trang phục của Quân đội, Công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang là những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh được thực hiện theo Điều 10, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013. Tuy nhiên trong thời gian qua, những sản phẩm quân tư trang vẫn được bày bán trôi nổi trên thị trường và hầu như không có sự kiểm soát.

 

Tại T.P Thái Nguyên, khu vực cổng Bảo tàng Quân khu I trên đường Quang Trung từ lâu đã được biết đến là “đại bản doanh” của loại hàng này. Gần chục cửa hàng bày bán công khai chẳng thiếu thứ gì từ quân phục, thắt lưng, giầy dép... cho tới các đồ quân dụng khác như bi-đông, xẻng công binh...

 

Theo ghi nhận của chúng tôi khi bước vào một cửa hàng, hình ảnh bắt gặp đầu tiên là những bộ quần áo rằn ri thời trang cho đến quân phục các loại được treo la liệt trên giá. Quan sát kỹ bề ngoài, những đường chỉ may, đường viền được may khá chuyên nghiệp, logo của lực lượng vũ trang và phù hiệu được làm rất chắc chắn, cẩn thận, không hề xuất hiện một vết xước, vết sờn nào và khi sờ lên có thể cảm giác được chất vải rất mịn, màu sắc đẹp không khác gì quân trang trong quân đội.

 

Giá của các loại quân trang tại đây cũng rất đa dạng: một bộ quân phục dã chiến có giá từ 120.000 đồng đến 300.000 đồng /bộ tùy mẫu; quân phục sĩ quan tiêu chuẩn giá cao hơn, khoảng 700.000 đồng /bộ; còn giày da, ủng da sĩ quan có giá khoảng 400.000 đồng tới 600.000 đồng...

 

Chủ cửa hàng giải thích đây là hàng xịn 100%, đồng thời lật mác áo lên cho chúng tôi thấy dòng chữ “Tổng cục Hậu cần, Cục Quân nhu” và nói: “ Đây là hàng “cấp phát” của quân đội nên khỏi lăn tăn về chất lượng”. Cũng theo chủ cửa hàng, nếu mua cả bộ thì sẽ được giảm giá phụ kiện đi kèm và có thể mang đổi nếu phát hiện bị hỏng, rách. Ngoài ra, chúng tôi còn được giới thiệu về quân phục của bộ đội hải quân, đặc công, biên phòng... cho tới quân phục dân quân tự vệ và quần áo bảo vệ. Khách tới mua hàng đều không cần giấy tờ, chứng từ chứng minh mục đích mua hàng, việc mua bán đơn giản.

 

Việc mua bán tràn lan không kiểm soát quân tư trang tạo ra nhiều kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng làm điều phi pháp, không ít trường hợp giả danh công an, bộ đội đi lừa đảo đã bị phát giác, xử lý. Điển hình gần đây là vụ giả danh cán bộ quân đội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Đặng Văn Tôn tại Bắc Giang. Theo điều tra ban đầu, đối tượng đã sử dụng quân phục mua được, dùng tên giả để lừa đảo tài sản của 3 phụ nữ với tổng tài sản là 45 triệu đồng và một chiếc xe máy. Không chỉ có vụ việc này mà trước đó đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo giả danh khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của lực lượng vũ trang.

 

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2016/NĐ-CP quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong đó, tại Điều 4 có quy định cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự về tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”. Để ngăn chặn các nguy cơ, hệ lụy từ việc tùy tiện mua bán quân trang, quân dụng như hiện nay, đề nghị cơ quan chức năng cần quyết liệt kiểm tra, xử lý thật nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.