Xây dựng mô hình phải phù hợp với thực tiễn

10:22, 15/03/2017

Đó là khẳng định của chị Hùng Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) với chúng tôi về cơ sở xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hội viên phụ nữ.

Chị Huyền cho biết: Chúng tôi quan niệm, vận động chị em trồng cây gì, nuôi con gì phải vừa phải phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước của địa phương, vừa phải phù hợp với thói quen sản xuất của phụ nữ. Dựa trên điều kiện thực tế, Hội LHPN xã đã vận động chị em các xóm ven sông chuyển đổi diện tích cấy một vụ lúa kém hiệu quả sang trồng rau, trồng hoa, vận động các chị em các xóm khu vực phía trong chặt bỏ cây bạch đàn chuyển sang trồng mía, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi. Thực tế cho thấy, các mô hình mới đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Cậy, chia sẻ: Từ năm 2013, gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa. Với trên 2 sào trồng các loại hoa lay ơn, cúc, lily… trung bình mỗi vụ gia đình tôi thu được trên 30 triệu đồng. Còn chị Nguyễn Thị Lưu, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Thông, cho hay: Gia đình tôi hiện có hơn 10.000m2 trồng các loại cây ăn quả như: ổi, mít, táo… Diện tích này trước kia chỉ trồng bạch đàn và cây vườn tạp nên hầu như không đem lại hiệu quả kinh tế. Sau khi được tham gia các lớp học nghề làm vườn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã tổ chức, tôi đã quyết định đầu tư trồng cây ăn quả. Đến nay, tôi không còn băn khoăn với quyết định của mình vì dù chỉ mới trồng từ 2-3 năm trở lại đây, hiệu quả kinh tế của cây ăn quả mang lại đã khá cao.

 

Để giúp chị em có thêm kiến thức phát triển kinh tế, Hội LHPN xã Huống Thượng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ năm 2011-2016, Hội LHPN xã đã phối hợp tổ chức trên 80 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc lúa, ngô, khoai tây, trồng hoa, trồng cây ăn quả, chế biến chè và chăn nuôi lợn, gà… cho gần 7.000 lượt hội viên. Từ các lớp tập huấn này, nhiều chị đã ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: gia định chị Dương Thị Ngát với mô hình trồng hoa; chị Nguyễn Thị Toan ở với mô hình chăn nuôi lợn, gà kết hợp; hộ gia đình chị Nguyễn Thị Tuyển với mô hình vườn cây ăn quả… Các mô hình đều cho doanh thu từ 70-100 triệu đồng/năm.

 

Bên cạnh phát triển các mô hình kinh tế, Hội LHPN xã Huống Thượng còn phối hợp với Hội LHPN huyện và tỉnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, xã có 2 mô hình tổ hợp tác trồng rau an toàn ở xóm Cậy và xóm Huống Trung với 80 hộ dân tham gia, trong đó, nòng cốt là hội viên phụ nữ. Hội LHPN xã cũng thực hiện thí điểm 2 mô hình của Hội LHPN tỉnh là: Mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu với 15 hộ tham gia tại Chi hội Phụ nữ xóm Huống Trung và mô hình chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học gồm 25 hộ tham gia tại 4 chi hội: Bầu, Trám, Cậy, Đảng. Chị Chị Ngô Thị Lê, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn xóm Huống Trung chia sẻ: Nằm trong mô hình trồng rau an toàn được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ, năm 2014, 50 hộ dân ở xóm Huống Trung đã tham gia Dự án “Xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm rau xanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” trên diện tích 2ha. Đến nay, tuy vẫn còn khó khăn về đầu ra và giá bán sản phẩm nhưng sản xuất rau an toàn đã trở thành thói quen của người dân, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thực phẩm an toàn.

 

Cùng với phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, Hội LHPN xã Huống Thượng còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đồng Hỷ cho hội viên phụ nữ vay vốn với tổng dư nợ gần 4,5 tỷ đồng cho 142 hộ vay. Hội LHPN xã phối hợp với Dự án sinh kế bền vững cho phụ nữ nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc cho vay trên 450 triệu đồnghỗ trợ các mô hình kinh doanh vi mô tăng cường hiệu quả, tham gia tốt hơn vào thị trường đồng thời thúc đẩy các mô hình liên kết trong kinh doanh. Trong 5 năm (2011-2016), hội viên phụ nữ xã Huống Thượng đã giúp nhau phát triển kinh tế bằng cây, con giống, ngày công lao động, tiền mặt với tổng trị giá là trên 330 triệu đồng giúp cho 102 hội viên phụ nữ…  Hội LHPN xã tiếp tục thực hiện kế hoạch vận động, quản lý nguồn tiết kiệm tại chi, tổ phụ nữ. Đến nay, đã có 1.260 hội viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, với tổng số tiền 113 triệu đồng.

 

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hội LHPN xã Huống Thượng sẽ tập trung phát triển các mô hình kinh tế hiện tại và tìm hướng phát triển hơn nữa về chất lượng. Đặc biệt, Hội đang nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm tại địa phương và tìm kiếm đối tác lâu dài. Từ đó, giúp hội viên phụ nữ yên tâm mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế thực hiện mục tiêu “tăng giàu, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới”.