Bước ra từ binh lửa

08:52, 04/04/2017

Câu chuyện họ kể đầy những tình tiết kịch tính và cảm động. Thời binh lửa hào hùng ấy đã qua gần nửa thế kỷ nhưng chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức người lính. May mắn hơn bao đồng đội đã phải nằm lại chiến trường, họ trở về, chiến đấu với vết thương trên người, đạp bằng mọi thử thách để vượt qua đói nghèo. Họ đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau với tình bằng hữu, tình đồng chí thiêng liêng. Có người bỏ hàng tháng trời ròng rã đi tìm đồng đội… Họ là lính đặc công.

Nhà ông Trương Việt Hải, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội đặc công tỉnh Thái Nguyên, ở tổ 25, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), là địa chỉ tập hợp quen thuộc đối với các thành viên trong Ban liên lạc. Cuối tháng 3, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Binh chủng Đặc công, nhà ông càng đón nhiều khách là những đồng đội cũ ở cả trong và ngoài tỉnh. Một lần, tôi may mắn được hầu chuyện các cựu chiến binh già tại đây.

 

“Đánh nở hoa trong lòng địch”

 

Đó là một phần trong câu khẩu hiệu của bộ đội đặc công: “Luồn sâu, lót sát, bí mật, bất ngờ, đánh từ trong đánh ra, đánh nở hoa trong lòng địch”. Vài câu từ ngắn gọn nhưng hàm chứa cả tinh thần và kỹ, chiến thuật chiến đấu của Binh chủng đã 2 lần được phong Anh hùng, trong đó có đóng góp công lao, xương máu của gần 1.000 người con quê hương Thái Nguyên.

 

Trong nhiều trận đánh địch trên nước bạn Lào, cựu chiến binh Nguyễn Đình Cương (xã Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên), chiến sĩ Tiểu đoàn 27 thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công, nhớ như in trận đánh cứ điểm Long Chẹng. Trung đội của ông gồm 16 người đã mưu trí, dũng cảm tiến sát căn cứ địch để đánh, phá hủy 3 máy bay và loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục lính ngụy Vàng Pao. Ở trận này, bản thân ông dính lựu đạn và bị ngất. Tỉnh dậy chỉ còn lại một mình, 2 chân bị thương đau rát, toàn thân ê ẩm, ông vận hết sức bình sinh để bò lê về căn cứ. Máu chảy nhiều cộng với đói và khát, ông ngất lên ngất xuống mấy lần. Có lúc phải trốn trong hốc đá, trốn dưới cống khi quân địch chạy rầm rập trên đầu. Còn giắt lưng 2 quả lựu đạn, người lính kiên cường tính đến tình huống nếu bị địch phát hiện sẽ “dành” cho chúng một quả, còn một quả để lại cho mình, quyết không để sa vào tay địch.

 

20 ngày bị lạc trong rừng rậm, được đồng đội phát hiện ở gần bờ suối, chỉ còn da bọc xương. Sau khi bình phục, chàng lính trẻ lại cùng đơn vị tiếp tục chiến đấu nhiều trận oanh liệt trên nước bạn Lào trước khi chuyển về chiến trường miền Nam. Trước ngày giải phóng, ông Nguyễn Đình Cương còn bị thương thêm một lần nữa. Cũng như nhiều đồng đội bao phen vào sinh ra tử, ông bảo dù thương tật đầy mình nhưng vẫn quá may mắn bởi còn được trở về.

 

Ông Nguyễn Quý Thái (tổ 13, phường Thịnh Đán) và ông Nguyễn Văn Chiến (xóm Sơn Tiến, xã  Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên) cùng nhập ngũ một ngày vào năm 1969, sát cánh bên nhau trong nhiều trận đánh ác liệt trên nước bạn Campuchia và chiến trường miền Đông, miền Tây Nam bộ. Đơn vị cũ của các ông là Tiểu đoàn Đặc công 212, trong đó có 64 chiến sĩ là người Thái Nguyên, 45 người đã hy sinh trong chiến đấu. Từ khi về đời thường, 2 đồng đội đã “đi xa”, còn lại 17 người thì 100% là thương binh. Kể về thời binh lửa, giọng ông Thái đầy hào hứng, bừng bừng khí thế như trước lúc xung trận năm nào, và rồi trùng xuống khi nói về những đồng đội phải nằm lại chiến trường.

 

Ông Thái vẫn khắc cốt ghi tâm, nhớ chi tiết từng trận đánh, trong đó có trận ngày 19-8-1970 tại vùng Tây Bắc Campuchia. Đại đội đặc công của ta gồm 30 người được giao nhiệm vụ tiêu diệt một cứ điểm có 230 tên địch đóng giữ. Chênh lệch về quân số và vũ khí lớn nhưng với sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chiến đấu rất cao, chỉ trong 7 phút quân ta đã làm chủ cứ điểm, tiêu diệt đại bộ phận quân địch… Sau này, cũng trong một trận chiến ác liệt như thế, ông Thái đã bị trúng đạn dập nát bàn tay phải, “gửi” nguyên một ngón áp út lại chiến trường. Trận khác ông bị thương ở đùi và lần nặng nhất là bị dập hộp sọ do sức ép của bom mìn, phải sống thực vật 17 ngày. Không biết bao nhiêu lần cận kề cái chết, ông nói mình cao số nên giờ còn được ngồi đây ôn kỷ niệm chiến trường...

 

Chuyện của ông Trương Việt Hải là về huyết thư xung phong nhập ngũ và những năm tháng chiến đấu oanh liệt trong biên chế của Tiểu đoàn 20 Đặc công Tây Nguyên, đơn vị khiến quân địch khiếp sợ gọi với biệt danh “Hùm xám Tây Nguyên”. Ông kể lại hàng chục trận đánh ác liệt của đơn vị mình, điển hình như trận Ngọc – Công – Giao, trận cầu Bông, cầu Sáng thắng lợi mở toang cánh cửa để quân chủ lực của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn… Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng, hành trang của ông khi giải ngũ là những dấu tích chiến tranh trên người, chiếc ba lô chứa đầy kỷ vật vô giá.

 

Mỗi người một đơn vị, một hoàn cảnh chiến đấu, bị thương khác nhau nhưng ở họ có điểm chung là tinh thần bất khuất, mưu trí dũng cảm, coi thường gian nguy, xứng đáng với lời căn dặn của Bác: Đặc công là công tác đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt, cố gắng đặc biệt, vinh dự đặc biệt, đặc biệt dũng cảm, đặc biệt vẻ vang…

 

Vẫn canh cánh những nỗi niềm

 

Trở về đời thường, những cựu chiến binh đặc công Thái Nguyên lại tiếp tục chiến đấu, vật lộn với những vết thương, vượt qua đói nghèo và xây đắp tương lai cho thế hệ hậu sinh. Ông Nguyễn Quý Thái là một điển hình như thế. Giải ngũ với 2 cây nạng trên tay (thương tật 71%), ngủ phải buộc chân cao hơn đầu cho đỡ đau, ông lập gia đình rồi ra ở riêng trong một túp lều lợp bằng cây guột dột tứ tung. 3 đứa con lần lượt chào đời, mọi gánh nặng đặt lên vai người vợ gầy yếu, ông gượng gạo đứng lên rồi “vứt” luôn đôi nạng để quyết tập đi bằng được. Ý chí sắt đá trong ông như một thứ thần dược khiến đôi chân dần bình phục. Vợ chồng ông lao động không biết mệt mỏi để cải tạo gần 2ha đất đồi cằn cỗi thành vườn cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thứ đất đồi vốn đỏ quạch nay được phủ một lớp phù sa màu mỡ bởi bùn ao và phân chuồng.

 

Động viên, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế và cuộc sống.

 

Ông Thái là người tiên phong trong vùng về trồng dứa, vải thiều, quất trái vụ và các loại bưởi. Khuôn viên hiện tại của gia đình ông như một khu sinh thái với biệt thự khá lớn được bao bọc trong vườn cây trái xanh mát, phía trước là ao nuôi cá rộng gần 2.000m2 do một tay ông kiên trì tạo dựng. Kinh tế đã khấm khá nhưng niềm hạnh phúc lớn lao nhất của ông bà là cả 3 người con đều được học hành đầy đủ và có việc làm tốt, trong đó 2 người đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội, 1 người đã có bằng Tiến sĩ. Lúc nuôi các con ăn học, hoàn cảnh gia đình khó khăn đến mức vợ ông đã tính bán cả nhà và một phần trang trại, nhưng họ vẫn đủ nghị lực để vượt qua.

 

Những trường hợp vượt khó trở thành điển hình về phát triển kinh tế như ông Thái không hiếm trong đội ngũ những cựu chiến binh đặc công tỉnh Thái Nguyên, như các ông: Trương Việt Hải, Ngô Quốc Xứng (ở xã Ôn Lương, Phú Lương), Dương Văn Khoát (thị trấn Hương Sơn, Phú Bình)… Nói như ông Thái, chính thời gian được rèn luyện và chiến đấu trong môi trường đặc biệt đã khiến họ có ý chí sắt đá, can trường.

 

May mắn trở về, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là bằng nghị lực của bản thân, phần lớn những cựu chiến binh đặc công trong tỉnh hiện có cuộc sống ổn định, nhiều người khấm khá. Tuy vậy, họ không nghĩ nhiều cho bản thân mà luôn canh cánh nỗi lòng bởi những đồng đội vẫn nằm đâu đó nơi chiến trường xưa, gia đình liệt sĩ và gia cảnh đồng đội còn khó khăn, rồi những con em bị ảnh hưởng gián tiếp từ thứ chất độc da cam quái ác mà đế quốc Mỹ đã gieo rắc. Tất cả những trường hợp cựu chiến binh chúng tôi nêu trong bài viết này đều có con hoặc cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, có người bị thiểu năng, hoặc đã chết vì bệnh nan y.

 

Ban liên lạc Bộ đội Đặc công tỉnh Bắc Thái (sau này tách ra theo 2 tỉnh) được thành lập năm 1995, xuất phát từ ý tưởng của ông Trương Việt Hải và một số đồng đội, nhằm tập hợp nhau, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hiện Ban liên lạc có 470 thành viên sinh hoạt ở 12 đơn vị trực thuộc, đã tổ chức và duy trì được nhiều hoạt động thiết thực như: vận động quyên góp xây nhà, đào tạo nghề và giúp tìm việc làm cho con em đồng đội, thường xuyên thăm hỏi, động viên, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, động viên và trao tặng kỷ vật cho gia đình liệt sĩ… Các thành viên lãnh đạo Ban liên lạc không hề có chế độ, đều tự nguyện bỏ kinh phí để duy trì các hoạt động của Ban, đặc biệt là ông Trương Việt Hải.

 

Một hoạt động rất đáng ghi nhận của nhiều cựu chiến binh đặc công tỉnh là dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để trở lại chiến trường tìm hài cốt liệt sĩ. Riêng ông Hải đã 7 lần trở lại Tây Nguyên, Nam bộ để tìm đồng đội, phát nhiều văn bản cung cấp thông tin và đề nghị các địa phương, đơn vị tìm liệt sĩ. Ông Thái đã 5 lần trở lại chiến trường, có lần ròng rã 3 tháng trời để góp phần quan trọng tìm và xác định chính xác tên tuổi, quê quán của hơn 30 liệt sĩ. Trường hợp  đặc biệt như ông Nguyễn Đình Cương dù sức khỏe yếu do bệnh huyết áp và tiểu đường, cũng đã cất công sang nước bạn Lào góp phần tìm thấy 3 liệt sĩ… Quên những vết thương đang hành hạ, quên những gian nan sau nhiều ngày đi bộ, mỗi khi tìm thấy đồng đội họ lai ôm nhau khóc, bưng mặt khóc trong niềm xúc động nghẹn ngào. Họ khẳng định sẽ tiếp tục đi nếu sức khỏe còn cho phép, bởi sống không yên khi đồng đội còn nằm lại chiến trường.

 

Họ tự hào là người lính đặc công, những người hiểu rõ giá trị của từng ngày đang được sống!