Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tại ATK Định Hóa, nhiều cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Quân đội đã đóng ở nhà dân, được đồng bào hết lòng chở che, giúp đỡ. Trong đó, gia đình cụ Ma Tiến Điền, ở thôn Khẩu Đưa, xã Phú Đình được chọn làm nơi để kho lương thực và là nơi ở, làm việc của cơ quan Tuyên truyền của Đảng. Đặc biệt, đồng chí Lê Quang Đạo, nguyên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - thời điểm đó là Phó Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng - đã ở nhà cụ Điền từ đầu năm 1949 đến cuối năm 1950...
Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi đã theo đoàn công tác của Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa đi sưu tầm hiện vật kháng chiến ở một số địa phương. Tại gia đình anh Ma Tiến Ba, ở thôn Khẩu Đưa, xã Phú Đình, đoàn đã sưu tầm được một số vật dụng như bát đĩa, vại muối dưa, chum đựng nước, nồi đồng... Từ những hiện vật này, câu chuyện về một gia đình có công với cách mạng được hé mở. Theo anh Ba, đây là những vật dụng mà gia đình và các cán bộ kháng chiến đã sử dụng trong những năm 1947 đến 1954 - thời kỳ Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ về ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Bà Ma Thị Hờn, ở xóm Đèo De, xã Phú Đình (là bác ruột của anh Ma Tiến Ba) năm nay đã 85 tuổi nhưng trí nhớ còn rất minh mẫn. Bà kể lại: Trong những năm tháng kháng chiến, bố đẻ của bà là cụ Ma Tiến Điền đã đồng ý để cơ quan Nhà nước sử dụng nhà mình làm kho lương thực. Cùng với đó, trong suốt những năm từ 1948-1950, cụ Điền đã cho nhiều cán bộ của Đảng mượn nhà để ở, làm việc. Theo bà Ma Thị Hờn, vào thời điểm đó, ngôi nhà sàn 5 gian, 2 chái của gia đình bà còn là nơi làm việc của Báo Sự Thật - tờ báo của Đảng. Bà Hờn vẫn còn nhớ tên của hầu hết những người đã từng ăn ở, làm việc tại nhà mình trong những năm kháng chiến chống Pháp. Trong đó, bà nhớ rõ nhất là đồng chí Lê Quang Đạo, nguyên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và bà Nguyễn Thị Nguyệt Tú, phu nhân của đồng chí Lê Quang Đạo.
Đưa chúng tôi ra thăm đồi chè phía sau ngôi nhà gia đình anh Ma Tiến Ba đang ở, bà Hờn cho biết, nền đất này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thuộc thôn Nà Muồng, xã Phú Đình, vốn có ngôi nhà sàn của hai cụ thân sinh ra bà là cụ Ma Tiến Điền và cụ Ma Thị Kích. Do nhà cửa khá rộng rãi, thoáng mát nên tổ chức đã cử người đến nhà cụ liên hệ mượn nhà sàn của gia đình làm kho lương thực, gia đình bà đã vui vẻ nhận lời. Không chỉ giúp đỡ tổ chức làm kho lương thực, trong khoảng thời gian này, nhà bà cũng trở thành nơi hội họp của Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng, nơi ăn nghỉ và làm việc của Báo Sự Thật của Đảng. Nơi đây, đồng chí Lê Quang Đạo, khi ấy là Phó Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng đã về ở với gia đình trong khoảng thời gian từ năm 1949 đến cuối năm 1950. Ngoài ra, cùng ở và làm việc với đồng chí Lê Quang Đạo còn có một số đồng chí khác công tác tại Báo Sự Thật. Bà Ma Thị Hờn nhớ lại: Hồi đó tôi và các chị em ruột trong đó có ông Ma Tiến Nhí, bố đẻ của anh Ma Tiến Ba còn nhỏ, chỉ biết việc đồng áng, không quan tâm nhiều đến chuyện của người lớn. Gia đình tôi đều rất vui khi cùng sống chung với các cán bộ trong căn nhà của mình, các đồng chí cán bộ đều rất hòa đồng với những thành viên trong gia đình. Trong đó, tôi nhớ ông Đặng Đức Cơ, ngoài công việc cơ quan, được giao phụ trách Đội Thiếu niên của thôn. Ông Cơ rất hoạt bát và vui tính, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, được các em thiếu niên thời ấy rất quý mến.
Được biết, ngày 9-3-1995, trong một chuyến công tác về ATK Định Hóa, đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thăm lại gia đình ông Ma Tiến Nhí là con trai của cụ Ma Tiến Điền (lúc này cụ Ma Tiến Điền và cụ Ma Thị Kích đều đã mất). Sau chuyến công tác, đồng chí Lê Quang Đạo đã gửi lại gia đình một giấy xác nhận viết tay đề ngày 1-7-1995 có chữ ký của đồng chí và đóng dấu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong đó có đoạn: “Tôi, Lê Quang Đạo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, năm 1949-1950 là Phó Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng, chứng nhận: Đồng chí Ma Tiến Nhí, con ông Ma Tiến Điền, ở thôn Nà Muồng, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái, là một gia đình cơ sở kháng chiến rất tốt. Gia đình ông Ma Tiến Điền cùng một số gia đình khác ở thôn Nà Muồng, xã Phú Đình đã từng giúp đỡ bộ đội đóng quân trong nhà, giúp Nhà nước để kho lương thực trong nhà và giúp Đảng dùng nhà mình làm cơ quan cho cán bộ, nhân viên của Đảng ở và làm việc. Cơ quan Tuyên truyền Trung ương Đảng cùng với Báo Sự Thật đã đóng ở Nà Muồng từ năm 1948. Riêng tôi ở nhà ông Điền từ năm 1949 đến cuối năm 1950 tôi vào quân đội”. Trong thư, đồng chí Lê Quang Đạo cũng ghi: “Đề nghị Nhà nước khen thưởng cho gia đình ông Ma Tiến Nhí và tất cả các gia đình khác có công giúp đỡ kháng chiến ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa”...
Trao đổi với chúng tôi, anh Ma Tiến Ba cho biết, khi còn sống, bố đẻ anh là ông Ma Tiến Nhí cũng đã làm đơn đề nghị công nhận gia đình có công với nước tuy nhiên, gia đình anh vẫn chưa được xét công nhận hộ gia đình người có công. Trong lá đơn do ông Ma Tiến Nhí viết hiện gia đình còn giữ đề ngày 9-3-1995, trình bày sự việc gia đình có thời gian làm cơ sở kháng chiến, giúp cách mạng để kho lương thực trong nhà, dùng nhà mình làm cơ quan cho cán bộ, nhân viên của Đảng ở và làm việc, bảo đảm an toàn bí mật. Tờ đơn có xác nhận và chữ ký của ông Ma Tiến Phê, 71 tuổi, trú quán tại xã Phú Đình, nguyên Chủ tịch UBND huyện Định Hóa. Chủ tịch UBND xã Phú Đình lúc đó cũng ký xác nhận những trình bày của ông Ma Tiến Nhí là hoàn toàn đúng sự thật và đề nghị các cấp xét giải quyết chế độ cho gia đình ông. Trước khi qua đời, ông Ma Tiến Nhí đã trao lại tờ đơn và thư xác nhận của đồng chí Lê Quang Đạo cho anh Ba với mong muốn sau này gia đình, con cháu được hưởng chính sách đãi ngộ đối với những gia đình có công với nước. Anh Ma Tiến Ba cho biết: Theo nguyện vọng của bố, tôi rất muốn được làm hồ sơ để được công nhận gia đình người có công với cách mạng. Việc làm này không chỉ đơn thuần giúp gia đình được hưởng chế độ đãi ngộ đối với người có công với cách mạng mà còn tôn vinh những việc mà ông nội tôi là cụ Ma Tiến Điền cùng với gia đình đã làm để góp phần vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta...