Nghĩa trang nhân dân Dốc Lim: Nơi yên nghỉ…chưa yên

08:29, 02/04/2017

Là nơi yên nghỉ của gần 6 vạn người đã qua đời nên Nghĩa trang nhân dân Dốc Lim có quy mô lớn nhất tỉnh và cũng phức tạp nhất hiện nay. Bất cập trong quản lý, quy hoạch, bảo vệ nên nơi này đã từng có chuyện bán đất lấy tiền, các dịch vụ đua nhau chặt chém. Việc này đã được xử lý nhưng thời gian gần đây ở nghĩa trang tái diễn chuyện tranh giành khách, xây mộ “giả”, thậm chí có cả việc xâm hại phần mộ khiến người đã khuất không yên, người sống bức xúc…

Thường trực nỗi lo mộ phần bị xâm hại

 

Chuyện một đối tượng ngang nhiên đào ngôi mộ mới chôn cất khiến không chỉ gia đình có mộ này mà cả những gia đình đang có phần mộ để tại Nghĩa trang nhân dân Dốc Lim (Nghĩa trang Dốc Lim) lo lắng và vô cùng bức xúc. Đối tượng được xác định là Hoàng Hải Đường (sinh năm 1991), thường trú tại xóm Hợp Thành, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Ông Đinh Văn Hiếu, Phó Trưởng Công an xã Thịnh Đức cho biết: Hoàng Hải Đường đã có tiền án và đang trong thời gian thử thách sau thời hạn thụ án tại địa phương. Từ khi trở về địa phương, Đường thường xuyên ở phường Thịnh Đán để làm thuê cho các dịch vụ ở nghĩa trang Dốc Lim. Việc đối tượng Đường tự ý đào mộ ở nghĩa trang là có thực.

 

Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng thông tin, việc đối tượng Hoàng Hải Đường xâm hại mồ mả là do sử dụng ma tuý, hoang tưởng dưới mộ có chôn nhiều vàng. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Bình, Đội trưởng Đội quản trang Dốc Lim (Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên) cho biết: Việc đối tượng Hoàng Hải Đường tự xưng là nhân viên quản trang và xâm hại mồ mả người khác khi chưa có sự đồng ý của gia đình là phạm pháp hình sự. Điều này khiến dư luận phẫn nộ và làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội quản trang. Sự việc sau khi xảy ra chúng tôi mới được biết. Theo tôi cần xử lý thật nghiêm đối tượng này để răn đe…

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, khu vực Nghĩa trang Dốc Lim rất lộn xộn. Đó là việc người dân địa phương chăn thả gia súc trong Nghĩa trang Dốc Lim; một số đối tượng mời chào dịch vụ chăm sóc phần mộ khi không được người dân chấp nhận đã có thái độ đe dọa. Có phần mộ bị đập vỡ bia, xây chồng lấn, gia súc đi lại gây sạt lở. Nhiều gia đình có phần mộ tại đây thường bị một số phần tử xấu gây rối, bắt làm luật hoặc xin đểu (một gia đình mới đây bị chúng đào phần mộ là việc táo tợn nhất chưa từng xảy ra). Một người làm nghề thợ xây ở xã Thịnh Đức, chuyên đi xây thuê các phần mộ tại Nghĩa trang Dốc Lim (xin được giấu tên) cho biết: Người đến thắp hương hay xây mộ, chôn cất người thân đã mất nếu không nộp tiền cho những đối tượng xưng là quản lý tại đây thì bị chúng dọa phá mả. Hôm trước, có một chủ mộ đến thuê thợ xây, do không làm luật trước nên trong quá trình xây mộ, chúng đã ra gây sự và một người trong nhóm thợ bị đánh...

 

Làm việc với địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan, chúng tôi thấy tại Nghĩa trang Dốc Lim còn một số vấn đề phức tạp khác, như: dịch vụ tự phát; người dân tự do chôn cất người chết ngoài khu vực ranh giới quản lý của địa phương, không theo quy định quản lý của khu nghĩa trang; tồn tại nhiều ngôi mộ “giả” với mục đích giữ đất…

 

Lộn xộn, phức tạp do đâu?

 

Thực sự vấn đề này thế nào? Chúng tôi đã có buổi làm việc với với ông Đặng Thanh Bình, Đội trưởng Đội quản trang (Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên). Ông Bình khẳng định đội quản trang không nhận tiền bảo kê hay bán đất thu tiền bất chính, còn giá dịch vụ hiện nay do người dân và người làm dịch vụ tự thoả thuận, đội quản trang không can thiệp. Cán bộ này cũng thừa nhận sự yếu kém trong quản lý do đội quản trang chỉ có 4 người nên công việc chính là làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Lim. Còn phần nghĩa trang nhân dân rộng trên 20ha chỉ “quản lý hình thức” còn các dịch vụ để trôi nổi. Người dân thì  mạnh ai người ấy làm nên khi có nhu cầu chôn cất, cải táng cho người chết họ thường giao dịch trực tiếp với các dịch vụ, không qua đội quản trang nên rất khó quản lý. Điều này đã dẫn tới việc dịch vụ ở đây cạnh tranh nhau về giá, tranh giành khách hàng, chỉ đến khi xảy ra tranh chấp, xâm hại phần mộ của người thân, người dân mới tìm đến đội quản trang có ý kiến đề nghị giải quyết. Bản thân các thành viên đội quản trang trong quá trình giải quyết tranh chấp cũng đã bị đánh trọng thương phải vào bệnh viện cấp cứu nên bất lực trước sự hoành hành của một nhóm đối tượng côn đồ, xưng hùng, xưng bá ở Nghĩa trang Dốc Lim.

 

Cần những giải pháp trước mắt và lâu dài

 

Nghĩa trang Dốc Lim hiện có diện tích trên 20ha với tổng số gần 6 vạn phần mộ và khoảng 90% diện tích nền đã đến ngưỡng mãn tải. Để đảm bảo đủ quỹ đất dành cho việc an táng, cát táng, UBND T.P Thái Nguyên đã thu hút các nhà đầu tư để xã hội hoá việc xây dựng nghĩa trang nhân dân trên địa bàn và bỏ kinh phí đầu tư làm đường bê tông đến các tiểu khu trong Nghĩa trang Dốc Lim; giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn xây dựng phương án quản lý, quy hoạch mở rộng nghĩa trang Dốc Lim  để tiến tới đóng cửa toàn bộ các nghĩa trang nhỏ lẻ trên địa bàn. Cụ thể, Ban quản lý Dịch vụ công ích đô thị T.P Thái Nguyên đang xây dựng phương án quản lý, sử dụng và cải tạo nâng cấp nghĩa trang này với tổng mức đầu tư trên 23,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần việc này mới đang trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, chưa biết đến bao giờ mới khả thi. Bởi thế, việc khẩn thiết trước mắt là giao cho lực lượng công an kiểm tra hành chính các khu vực trong và phụ cận nghĩa trang để trục xuất những đối tượng nghi mắc tệ nạn xã hội, tội phạm ở nơi khác đến đây tá túc, có những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật. Các cơ quan liên quan của T.P Thái Nguyên cũng cần kiện toàn lại công tác quản lý và ban hành mới các văn bản quy định rõ nội quy, quy chế hoạt động, bảng giá dịch vụ; yêu cầu đăng ký đối với những người kinh doanh dịch vụ và các tổ chức, cá nhân có phần mộ đặt tại nghĩa trang này. Chỉ có như vậy mới chấm dứt được tình trạng lộn xộn ở đây, giúp người quá cố được yên nghỉ, người sống được thanh thản…