Mặc dù đã có sự thay đổi nhận thức về chứng tự kỷ trong xã hội, nhưng con đường để người tự kỷ hòa nhập và đặc biệt là được dạy nghề để có thể sống độc lập khi trưởng thành vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại tại hội thảo “Tự kỷ - Vấn đề, nhu cầu và giải pháp”, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1/4.
Ông Đoàn Hữu Minh, Trưởng phòng công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, ước tính Việt Nam hiện có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật nói chung và người tự kỷ nói riêng thông qua đề án xây dựng mô hình, cơ sở chăm sóc và trợ giúp trẻ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ và một số nhóm đặc biệt khác. Nhưng các chính sách mới chỉ chú trọng đến việc phát hiện sớm, chăm sóc, phục hồi, giáo dục hòa nhập cộng đồng.
Nêu ra thực tế hiện Việt Nam bắt đầu có nhiều trẻ tự kỷ lớn lên và gặp nhiều khó khăn trong việc học hòa nhập, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ở Việt Nam mô hình hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ còn rất ít và chủ yếu là ở các nhóm do phụ huynh lập ra. Bên cạnh một số điểm mạnh như chăm chỉ, có khả năng kiên trì ở các việc đơn giản lặp đi lặp lại, hay một số ít trẻ có khả năng sáng tạo thì hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ đòi hỏi một số yêu cầu riêng do người tự kỷ gặp khó khăn về tương tác xã hội.
Với kinh nghiệm 10 năm đào tạo cho trẻ tự kỷ, bà Phạm Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Albert Einstein (Hà Nội) khẳng định, trẻ tự kỷ không thể làm việc như một người bình thường, các em chỉ phù hợp với những công việc đơn giản, không đòi hỏi sự sáng tạo. Do vậy Trung tâm này đã hướng các em tới các công việc đơn giản như lau dọn, làm việc nhà, nấu ăn, công việc văn phòng đánh máy, soạn thảo văn bản, in ấn tài liệu, làm nghề thủ công. Kết quả trong nhóm 10 em lớn đã có 8 em biết dọn nhà gồm quét nhà, lau nhà, gấp quần áo; 5 em thành thạo soạn văn bản, in tài liệu; 10 em biết xâu vòng theo mẫu; 3 em biết dệt saori; 5 em biết nấu các món ăn đơn giản như nấu cơm, rán trứng, luộc rau, nấu mì…
Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Kim Tâm, Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị này đã thành công trong việc dạy trẻ tự kỷ cách làm các sản phẩm thủ công như làm thiệp, túi xách, móc chìa khóa, ví, kết cườm, đóng gói khăn giấy, làm bánh, nấu ăn…Tuy vậy, khó khăn là số lượng sản phẩm trẻ làm ra không nhiều, bán giá cao thì không ai mua, bán giá thấp thì chỉ đủ tiền vật liệu và công của trẻ, tiền lương cho giáo viên hướng dẫn vẫn do phụ huynh tự bỏ ra. Bên cạnh đó, đầu ra để bán các sản phẩm này cũng không ổn định, chủ yếu là kêu gọi người quen, bán online…
Bà Phạm Kim Tâm hy vọng thời gian tới sẽ có các chính sách hỗ trợ lương cho người hướng dẫn, đồng thời có khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của người tự kỷ làm ra, xa hơn nữa là vận động doanh nghiệp nhận người tự kỷ vào làm các công việc phù hợp.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ khi người khuyết tật nói chung và người tự kỷ nói riêng có cơ hội làm việc thì sức khỏe, thể chất, tinh thần và các mối quan hệ xã hội mới được cải thiện. Trên thế giới đã có một số mô hình hướng nghiệp, dạy nghề cho người tự kỷ đã giúp họ ổn định kinh tế và quan trọng là họ đã có thể hòa nhập xã hội.
Để làm được điều này, các đại biểu tham dự cho rằng ngoài hệ thống an sinh xã hội để hỗ trợ người khuyết tật, Chính phủ còn phải động viên, vận động, thậm chí bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng một tỷ lệ nhất định người khuyết tật nói chung và người tự kỷ nói riêng, trong lực lượng lao động của mình như một cách chia sẻ trách nhiệm xã hội và cũng là để tạo công bằng về cơ hội việc làm, giữa người bình thường và người khuyết tật, trong đó có người tự kỷ./.