Cần hiểu đúng quy định của pháp luật

14:53, 15/05/2017

Từ năm 2011 đến nay, huyện Đại Từ chủ trương không cấp Giấy phép kinh doanh phòng khám  ngoài giờ cho bác sĩ đang công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều vướng mắc.

Là bác sĩ chuyên khoa nhi có kinh nghiệm nhiều năm, nhưng ý định mở phòng khám chuyên khoa Nhi tại nhà, Bác sĩ H.T.H vẫn chưa thể thực hiện. Lý do là vì nhiều năm nay, từ năm 2011 đến nay, huyện Đại Từ không cấp Giấy phép kinh doanh cho bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước. Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, bác sĩ P.N.C dù có đầy đủ chứng chỉ hành nghề, hồ sơ nhưng vẫn không được cấp giấy phép kinh doanh để mở phòng khám tư nhân chuyên khoa Nội.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Thanh Tùng, Phó phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đại Từ, đơn vị chịu trách nhiệm cấp Giấy phép kinh doanh cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện cho biết: Trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện, chúng tôi đã nhận được một số đề nghị cấp Giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh mở phòng khám tư nhân thực hiện khám bệnh ngoài giờ. Đối tượng xin cấp chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức y tế hiện đang làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Sau khi tìm hiểu một số văn bản luật, chúng tôi đã xin ý kiến UBND huyện và quyết định không cấp Giấy phép kinh doanh phòng khám, chữa bệnh ngoài giờ cho bác sĩ đang tác tại bệnh viện công lập.

 

Theo Công văn số 1460/UBND-TCKH của UBND huyện Đại Từ do ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện ký có nêu rõ các văn bản Luật làm căn cứ không cấp, gồm một số quy định chủ yếu:

 

Tại mục 13, điều 6, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2009, quy định các hành vi bị cấm: “Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viên tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của nhà nước”.

 

Điều 20 Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12, quy định những việc khác cán bộ, công chức không được làm, trong đó quy định “…những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của các cơ quan có thẩm quyền” và điều 14 Luật Viên chức số 58/2010/QH12 quy định Quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định: “Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”; “được góp vốn những không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phẩn, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác”.

 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, căn cứ theo các quy định trên, các bác sĩ đang làm ở bệnh viện công vẫn được phép mở phòng khám chuyên khoa làm ngoài giờ theo đúng quy định. Điều này đã từng được ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) trả lời báo chí vào tháng 2-2016 rằng: Bác sĩ bệnh viện công vẫn được phép mở các phòng khám tư nhân như: phòng khám răng, khám nhi, khám đa khoa, sản phụ khoa… Các phòng khám tư nhân này hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, không hoạt động trong giờ hành chính, không làm sao nhãng và ảnh hưởng tới chất lượng công việc của các bác sĩ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Tuy nhiên, bác sĩ bệnh viện công chỉ không được phép đứng ra thành lập, quản lý các bệnh viện tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã.

 

Trò chuyện với phóng viên Báo Thái Nguyên, ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế cho hay: Sở đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo huyện Đại Từ về quan điểm của ngành Y tế đối với hoạt động khám bệnh ngoài giờ của cán bộ y tế công tác tại các cơ sở y tế công lập là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, trên phương diện quản lý hành chính, việc cấp giấy phép kinh doanh do huyện thực hiện và Sở Y tế không thể can thiệp.

 

Trên thực tế, nhu cầu làm thêm ngoài giờ hành chính để kiếm thêm thu nhập của bác sĩ đang hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước là hoàn toàn chính đáng. Khám bệnh ngoài giờ vừa góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người bệnh, vừa là một cách để nâng cao tay nghề cho y, bác sĩ và cải thiện thu nhập cho họ trong điều kiện đồng lương còn thấp. Do vậy, thiết nghĩ, huyện Đại Từ cần xem xét lại chính sách và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ y tế.