Đã sau 7 năm khép lại vụ án buôn bán, vận chuyện ma túy trái phép do Nguyễn Văn Đua cùng đồng bọn (2010), nhưng người dân Thái Nguyên và các tỉnh lân cận còn nhắc nhớ đến một số tình tiết liên quan: Với gần 50 bánh heroin, 29 bị cáo, 14 ngày xét xử, 5 án tử hình, 11 án chung thân và 13 án tù từ mức cải tạo không giam giữ đến 20 năm tù giam. Đây là lời cảnh tỉnh để răn đe, nhắc nhở những đối tượng tội phạm về ma túy.
Hầu hết các đối tượng đều nhận thức được hình phạt của pháp luật dành cho người mua, bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Nhưng vì lợi nhuận, “họ” bất chấp pháp luật, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn như mua chuộc cán bộ, sử dụng vũ khí nóng để chống người thi hành công vụ. Đã có những cán bộ cơ quan chức năng Nhà nước bị sa ngã trước cám dỗ bạc tiền. Cũng có không ít cán bộ, chiến sĩ công an phải đổ máu trên mặt trận phòng, chống tội phạm ma túy.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trung bình hằng năm, Công an tỉnh bắt giữ hàng trăm đối tượng liên quan đến việc mua, bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Điển hình năm 2014, bắt giữ 463 đối tượng/386 vụ, thu giữ 53.024,69 gam heroin, 1.620,17 gam ma túy tổng hợp, 4 khẩu súng và một số vật chứng liên quan khác. Khởi tố điều tra 380 vụ, 446 bị can; kết thúc điều tra chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị truy tố 378 vụ, 429 bị can phạm các tội về ma túy. Đầu năm 2015, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ vận chuyển 300 bánh heroin và hơn 500 viên ma túy tổng hợp.
Mới đây, ngày 9-5-2017, Tòa án Nhân dân tỉnh đã xét xử lưu động 2 vụ án mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy tại UBND phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên), 2 bị cáo là: Đồng Việt Cường và Nguyễn Văn Kiên đều phải cúi đầu nhận mức hình phạt thích đáng… Những tụ điểm ma túy liên tục bị triệt phá; những phiên tòa liên quan đến ma túy được mở xét xử công khai, nhưng tình hình về tội phạm ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài một số ổ nhóm mua, bán ma túy nhỏ lẻ hoạt động trong tỉnh, còn có những đường dây mua, bán, vận chuyển ma túy lớn, có tính chất liên tỉnh hoạt động tinh vi. Qua một số vụ án ma túy được triệt phá cho thấy: các đường dây mua, bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh: Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La; Bắc Kạn - Cao Bằng; Bắc Giang - Quảng Ninh, tội phạm đều lấy Thái Nguyên làm “lãnh địa” tập kết và trung chuyển ma túy.
Sở dĩ tội phạm chọn Thái Nguyên làm “lãnh địa đen”, bởi từ Thái Nguyên đến các tỉnh lân cận có giao thông thuận lợi; có nhiều người từ các tỉnh đến làm việc cho các công ty và theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Và ngay tại Thái Nguyên, do có nhiều người lao động theo nhau đi làm vàng, hoặc đến các khu công nghiệp làm thuê, bị mắc nghiện ma túy cao, theo hồ sơ quản lý của cơ quan chức năng Nhà nước, toàn tỉnh hiện có 5.379 người nghiện ma túy (xếp thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước), trong đó 3.739 người đang ở cộng đồng; 1.317 người vắng mặt khỏi địa phương; 323 người đang ở trại tạm giam, nhà giam giữ và cơ sở cai nghiện. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội.
Nhằm từng bước hạn chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy trong cộng đồng xã hội, từ năm 2013 đến năm 2016, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng Nhà nước, các huyện, thành phố và thị xã tổ chức 135 hội nghị tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy, điều trị nghiện ma túy và biện pháp phòng ngừa tái nghiện cho 9.000 lượt người; tổ chức 48 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho hơn 3.500 lượt người; tổ chức 40 buổi tư vấn cho người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy tại cộng đồng cho hơn 300 người; 100% số học viên cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện được tư vấn, tuyên truyền về tác hại ma túy. Cũng từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 5.076 lượt người, trong đó có 651 người cai nghiện bắt buộc và 4.425 người cai nghiện tự nguyện.
Gần đây nhất, trong năm 2016 và hết quý I-2017, toàn tỉnh có 211 người được điều trị thay thế Methadone, trong đó 99 người tại Cơ sở tư vấn và điều trị tự nguyện; 23 người tại Cơ sở tư vấn và điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh; 35 người tại Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và Công tác xã hội tại thị xã Phổ Yên; 54 người tại Cơ sở điều trị tự nguyện và Công tác xã hội huyện Phú Lương; riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 223 người được cai nghiện, trong đó có 191 người cai nghiện tự nguyện, 32 người cai nghiện bắt buộc. Cũng theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2013 đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 1.008 người được quản lý sau cai, trong đó có 964 người tại nơi cư trú và 44 người tại các trung tâm cai nghiện của tỉnh.
Trên mặt trận phòng, chống tội phạm ma túy và cai nghiện ma túy, các cơ quan, đơn vị chức năng và các cấp, ngành đã vào cuộc quyết liệt, nhưng vẫn như việc “ném đá ao bèo”. Nhiều trường hợp mua, bán, sử dụng ma túy sau thực hiện án cải tạo, hoặc cai nghiện lại “ngựa quen đường cũ”, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội. Nhân viết bài này, chúng tôi xin nêu mấy số liệu đáng quan tâm: Kinh phí chi cho cai nghiện và quản lý sau cai nghiện của tỉnh trong giai đoạn từ năm 2013 đến hết năm 2017 là gần 10 tỷ đồng. Số người được cai nghiện hơn 5.000 lượt, tương đương với số người nghiện có hồ sơ quản lý. Và hiện toàn tỉnh chỉ có 14/180 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.