Phòng chống nguy cơ tăng huyết áp

08:09, 16/05/2017

Ước tính mỗi năm toàn cầu có khoảng 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó 9,4 triệu ca là do biến chứng của bệnh tăng huyết áp. Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng có xu hướng tăng cao, đặc biệt, căn bệnh này đang có chiều hướng trẻ hóa và nhiều người không nhận thức được tình trạng bệnh của mình.

Theo nghiên cứu của gần đây của Viện Tim mạch Việt Nam, 25% người trưởng thành bị tăng huyết áp nhưng chưa đến 50% người nhận thức được tình trạng bệnh của mình, chỉ 11% đạt được huyết áp mục tiêu. Nghiên cứu cũng cho thấy tăng huyết áp tại thành thị (33%) cao hơn rất nhiều so với nông thôn.

 

Hiện nay, số người mắc tăng huyết áp và bệnh tim mạch vẫn có xu hướng tăng cao do các yếu tố nguy cơ gây bệnh trong cộng đồng gia tăng. Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu bia, trong đó gần một nửa uống ở mức nguy hại; người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có khoảng 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực. Điều tra cũng chỉ ra rằng: Trong 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị; đồng thời có tới 70% số người có nguy cơ tim mạch hiện không được tư vấn, quản lý dự phòng.

 

Tăng huyết áp nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Đột quỵ, tai biến mạch máu não; suy tim, nhồi máu cơ tim; suy thận; giảm thị lực, mù lòa; tổn thương động mạch … Các đối tượng có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp gồm: Người từ 40 tuổi trở lên; người có thói quen ăn mặn, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà…; người ít vận động; người thường xuyên căng thẳng, lo âu quá mức; người có các yếu tố về rối loạn chuyển hóa (như: đái tháo đướng, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì); đặc biệt là thành viên trong gia đình có người mắc tăng huyết áp.

 

Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, ngay cả trong những trường hợp nặng. Cách nhận biết bệnh chính là đo huyết áp thường xuyên để biết chỉ số huyết áp hiện tại; nếu chỉ số huyết áp cao hơn bình thường cần đến ngay cơ sở y tế để được xác định chắc chắn bệnh.

 

Để có thể phòng chống các nguy cơ mắc tăng huyết áp, mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng, tăng cường ăn rau và trái cây, giảm ăn muối xuống dưới 5 gam/ngày, tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và hạn chế uống rượu bia để dự phòng tăng huyết áp nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt người trên 40 tuổi.

 

Người mắc tăng huyết áp vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.