Bệnh nhân điều trị Methadone khó khăn tìm việc làm

14:22, 09/06/2017

Điều trị Methadone được coi là cơ hội “vàng” đối với người nghiện ma túy với những ưu điểm như: chi phí thấp, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV và đặc biệt là giúp bệnh nhân hồi phục khả năng lao động. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân điều trị duy trì Methadone hiệu quả, sức khỏe hồi phục tốt đang phải chật vật tìm việc làm.

9 giờ sáng một ngày làm việc trong tuần, thời điểm mà hầu hết người trong độ tuổi lao động đang say sưa làm việc thì vẫn có đến hàng trăm bệnh nhân điều trị tại Cơ sở điều trị Methadone của Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên “thủng thẳng” ra vào cơ sở hoặc tụ tập tại khu vực phòng chờ và cả các quán trà đá xung quanh.

 

Không hề giấu giếm, anh N.T.H, 36 tuổi, thường trú tại phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết, hầu hết các bệnh nhân có mặt ở đây đều thất nghiệp. Anh H. cũng cho biết, mình đã nghiện ma túy từ năm 2004 và đến năm 2013 thì bắt đầu uống Methadone. 4 năm điều trị Methadone, sức khỏe hồi phục gần như 100% nhưng từ đó đến nay anh vẫn chưa có việc làm. Cùng chung hoàn cảnh anh N.T.H, anh V.H.L, phường Phan Đình Phùng đã nghiện ma túy gần 20 năm và đã điều trị Methadone được gần 3 năm. Hiện, sức khỏe hồi phục tốt nhưng anh L cũng không thể kiếm cho mình một việc làm phù hợp. Anh cho biết: Hàng ngày tôi phải đi uống Methadone nên không thể giấu diếm với người tuyển dụng được. Tuy nhiên, nhiều lần đi xin việc, người tuyển dụng cứ nghe thấy tôi nó mình đang điều trị Methadone là tìm lý do khéo léo từ chối.

 

Theo bác sĩ Trương Bế Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên, hiện thành phố có 735 bệnh nhân điều trị tự nguyện bằng Methadone, chiếm khoảng 60% lượng người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn. Hầu hết bệnh nhân đã qua giai đoạn khởi liều và điều trị duy trì với hiệu quả tốt, sức lao động hồi phục. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có khoảng 60% đến 70% bệnh nhân có việc làm, số còn lại hiện đang thất nghiệp. Hầu hết những bệnh nhân đều gặp khó khăn khi ra ngoài xin việc làm nên thường chọn tự mình khởi nghiệp bằng nghề đã có hoặc làm các việc làm tại gia đình hoặc tụ hợp thành nhóm nhỏ đi làm thuê. Tuy nhiên, có đến hơn 30% người bệnh điều trị ở đây không đủ điều kiện để tự tạo việc làm trong khi xin việc làm ở bên ngoài thực sự không dễ dàng.

 

Chưa có một thống kê cụ thể về việc làm của người bệnh điều trị Methadone nhưng qua khảo sát của chúng tôi tình trạng khó khăn tìm kiếm việc làm diễn ra phổ biến. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Đương, Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện tự nguyện tỉnh cho biết: Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện tự nguyện tỉnh đang tiếp nhận và điều trị cho 135 bệnh nhân điều trị Methadone và gần 20 bệnh nhân cai nghiện ma túy. Mỗi tháng, cơ sở sẽ tiếp nhận thêm và điều trị cho 20 bệnh nhân mới. Theo thống kê, có đến trên 80% bệnh nhân điều trị tại cơ sở chưa có việc làm thường xuyên và mong muốn có việc làm phù hợp. Xuất phát từ thực trạng đó, cơ sở đã đề xuất và được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho phép lập Đề án Hợp tác lao động sản xuất gạch tuynel giữa đơn vị với Hợp tác xã Đại Thắng (Hà Nội) để tạo công ăn việc làm cho người lao động là bệnh nhân điều trị Methadone hoặc cai nghiện tại đây.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thực trạng bệnh nhân điều trị bằng Methadone và bệnh nhân cai nghiện ma túy khó khăn tìm kiếm việc làm diễn ra phổ biến và ngành cũng đã họp bàn tìm giải pháp hỗ trợ các bệnh nhân. Tuy nhiên, dù tỉnh có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp nhận bệnh nhân điều trị Methadone vào làm việc nhưng chủ trương này khó thực hiện do tâm lý e ngại của người sử dụng lao động. Một giải pháp khác cũng được ngành tính đến đó là sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Tuy nhiên, khi triển khai chúng tôi rất khó tìm được những dự án khả thi của người điều trị Methadone hoặc sử dụng lao động đang điều trị Methadone để giải ngân nguồn vốn này.

 

Bởi thế, Đề án hợp tác sản xuất tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện tự nguyện tỉnh là việc hết sức cần thiết để tạo việc làm cho bệnh nhân Hiện chúng tôi đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan họp bàn về mô hình này và thống nhất đề nghị UBND tỉnh chấp thuận phương án liên kết sản xuất gạch Tuynel giữa Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện tự nguyện tỉnh với Hợp tác xã Đại Thắng. Khi chính thức được triển khai, đây sẽ là mô hình điểm để Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá và nhân rộng qua đó góp phần thiết thực tạo việc làm cho bệnh nhân điều trị Methadone và người bệnh cai nghiện ma túy.