Chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy

11:17, 26/06/2017

Tháng hành động Quốc gia về phòng chống ma túy năm 2017 với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy” đã thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy; đồng thời qua đó kêu gọi cộng đồng không kỳ thị, cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.

Nghiện ma túy từ năm 17 tuổi khi theo bạn bè đi làm thuê ở các bãi khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh, anh N.T.T ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đã có gần 20 năm sử dụng từ thuốc phiện rồi đến heroin. Cũng gần 20 năm, anh H. tìm cách cai nghiện với sự trợ giúp, động viên, khích lệ từ vợ và bố mẹ đẻ và tổ dân phố. Năm 2011, tỉnh ta bắt đầu triển khai điều trị Methadone tại một số địa phương trong tỉnh và anh H. trở thành 1 trong những bệnh nhân đầu tiên uống Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ. Đến nay, sau gần 6 năm điều trị, anh H. đoạn tuyệt với heroin và đã hồi phục khả năng lao động, anh cho biết: Gần 20 năm nghiện ma túy, đôi khi tôi không tin là có ngày mình đoạn tuyệt được với heroin. Nếu Nhà nước không triển khai chương trình điều trị thay thế bằng Methadone; gia đình, tổ dân phố không động viên thì chắc tôi không thể sống tới ngày hôm nay vì sự hủy hoại của ma túy đối với cơ thể tôi.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Đương, Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện tự nguyện tỉnh - đơn vị được chuyển đổi từ Trung tâm quản lý sau cai tỉnh cho biết: Thực tế điều trị cai nghiện và điều trị thay thế các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng Methadone tại đơn vị cho thấy sự quan tâm của gia đình, cộng đồng có vai trò quyết định đối với kết quả điều trị của bệnh nhân nghiện ma túy. Những bệnh nhân nhận được sự quan tâm, động viên từ gia đình, người thân thường chấp hành tốt hơn liệu trình điều trị và đạt kết quả cao hơn những bệnh nhân khác. Từ thực tế này, khi bắt đầu triển khai điều trị Methadone vào tháng 11-2016, chúng tôi ưu tiên tiếp nhận hồ sơ, đồng thời vận động người nghiện ma túy đưa vợ, chồng hoặc cha mẹ đến đăng ký và cùng cam kết tuân thủ điều trị. Qua đó, tính đến nay đã có gần 140 bệnh nhân được điều trị bằng Methadone tại đơn vị với kết quả 100% tuân thủ quy trình điều trị.

 

Đồng quan điểm về vai trò quan trọng của gia đình, cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghiện ma túy, anh Nguyễn Xuân Cường, Trưởng nhóm đồng đẳng Vì Ngày mai tươi sáng Thái Nguyên chia sẻ: Kinh nghiệm gần 10 năm tự cai nghiện và hỗ trợ người nghiện ma túy cho thấy, vai trò quan trọng nhất đối với việc hỗ trợ người nghiện ma túy là gia đình. Bản thân tôi cũng nhờ có sự động viên của gia đình nên quyết tâm từ bỏ ma túy. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội trong việc động viên, giảm kỳ thị, tạo môi trường lành mạnh cũng là yếu tố quan trọng giúp người nghiện từ bỏ ma túy hoặc chuyển sang điều trị Methadone hiệu quả. Theo anh Cường, với tình trạng ngày càng phổ biến ma túy tổng hợp thì sự động viên của gia đình, cộng đồng càng quan trọng hơn vì người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp gây ảnh hưởng hệ thần kinh, thường có những hoang tưởng, ảo giác không làm chủ được hành vi của mình, có hành động gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Vì vậy, người nghiện cần phải được động viên và hỗ trợ điều trị tâm lý, tâm thần kịp thời.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy. Những năm qua, công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy vẫn diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, người nghiện ma túy cần được đối xử bình đẳng, không kỳ thị. Cộng đồng phải coi người nghiện là người bệnh để chăm sóc, giúp đỡ họ hòa nhập. Những tháng đầu năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức cai nghiện cho 368 người trong đó có 59 người cai nghiện tại gia đình và 309 người cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện; điều trị Methadone cho 178 người tại các cơ sở điều trị… Riêng Đề án Cai nghiện ma túy bằng Cedemex đã tổ chức cai nghiện bằng thuốc Cedemex cho 751/750 người tham gia Đề án đạt 100,1% so với kế hoạch.

 

Thực tế cho thấy, để chung tay giúp người nghiện, các ngành, đoàn thể, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt công tác quản lý người nghiện tại các cơ sở cai nghiện, đi đôi với tăng cường công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Cùng với đó, cả xã hội chung tay giúp đỡ người nghiện, tạo điều kiện cho họ được học nghề, có việc làm ổn định và biết tránh xa ma túy. Đẩy mạnh công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, đặc biệt công tác tự nguyện và công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; giúp đỡ người nghiện điều trị, cai nghiện tạo các điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng. Tăng cường quản lý an ninh trật tự trong các cơ sở cai nghiện; đầu tư nâng cấp sửa chữa các cơ sở cai nghiện; đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng; triển khai thực hiện và lồng ghép các chương trình, về dạy nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động để thanh niên có cơ hội tự tạo việc làm, tự lập xây dựng cuộc sống mới, tránh xa ma túy.