Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy

08:57, 12/06/2017

 Đây là chủ đề của Tháng hành động phòng chống ma túy 2017. Quan điểm của Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy, không kỳ thị, cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.

Hơn 70% người nghiện dưới 35 tuổi

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy. Công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đã thu được nhiều kết quả trên các mặt. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, hiện nay cả nước có hơn 210.000 người nghiện ma túy, người nghiện có ở mọi thành phần xã hội và lứa tuổi, trong đó, hơn 70% người dưới 35 tuổi; có 35% người nghiện có tiền án, tiền sự liên quan đến tội phạm; tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là việc mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong thanh thiếu niên.

 

Người sử dụng ma túy tổng hợp ảnh hưởng hệ thần kinh, thường có những hoang tưởng, ảo giác không làm chủ được hành vi của mình, có hành động gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, người nghiện ma túy cần được đối xử bình đẳng, không kỳ thị, coi người nghiện là người bệnh để chăm sóc, giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng. Các Bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện tốt công tác quản lý người nghiện tại các cơ sở cai nghiện, đi đôi với tăng cường công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Cả xã hội chung tay giúp đỡ người nghiện, tạo điều kiện cho họ được học nghề, tạo việc làm ổn định và biết tránh xa hiểm họa ma túy.

 

Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện

 

Để công tác phòng chống ma túy, đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy có hiệu quả, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng chống ma túy, điều trị, cai nghiện; triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về tác hại của ma túy, phòng chống tội phạm ma túy... Cấp Ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới (theo Nghị quyết 98/NQ- CP ngày 26/12/2014 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Chỉ thị số 25/CT-TƯ ngày 05/6/2017 về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy).

 

Đẩy mạnh công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, đặc biệt công tác tự nguyện và công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; giúp đỡ người nghiện điều trị, cai nghiện tạo các điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng. Tăng cường quản lý an ninh trật tự trong các cơ sở cai nghiện; đầu tư nâng cấp sửa chữa các cơ sở cai nghiện; đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng; triển khai thực hiện và lồng ghép các chương trình, chính sách an sinh xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các chính sách về dạy nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động để thanh niên có cơ hội tự tạo việc làm, tự lập xây dựng cuộc sống mới, tránh xa hiểm họa ma túy.

 

Chính phủ đã ra Quyết định số: 2596/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, đặt mục tiêu: Nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý (ước tính dự báo đến năm 2020 khoảng 250.000 người) từ 70% vào năm 2015 lên 90% vào năm 2020 (tương đương 225.000 người) trong đó, giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại Trung tâm từ 20% vào năm 2015 xuống còn 6% vào năm 2020; tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm từ 50% vào năm 2015 lên 70%.