Cuộc đời không bao giờ là quá muộn

09:22, 30/06/2017

Chị ngồi đây, ngay trước mặt tôi, bằng xương, bằng thịt rõ ràng mà như xa lạ. Trên khuôn mặt đẹp như hoa năm nào của chị không còn thường trực nụ cười hồn hậu, tươi tắn. Bao mến thương cuộc đời xa rời chị: Chồng chạy theo người đàn bà khác, 2 con trai bị đuổi học, đau đớn hơn khi chị biết đứa con lớn bị lây nhiễm HIV.

Người đàn bà tôi muốn nhắc đến trong câu chuyện này là chị Hoàng Thị Minh T, nguyên giảng viên của một trường Đại học. Chị từng có một gia đình hạnh phúc, được bà con trong khu phố mến nể, nhất là kinh nghiệm gìn giữ tổ ấm gia đình và việc nuôi, dạy con trong nhà. Chị thở dài, bảo: Tất cả chỉ còn lại trong ký ức.

 

Câu chuyện buồn của chị đưa tôi về miền hoài niệm: Đó những những năm thập niên tám mươi của thế kỷ trước, tốt nghiệp đại học, chị được Nhà trường giữ lại, đào tạo làm giảng viên. Tuổi trẻ mang trong lòng bao hoài bão, khát vọng, chị hăng hái học tập, phấn đấu với nghĩ suy làm thày, hay làm thợ cũng phải giỏi.

 

Trong lần tham gia giao lưu văn nghệ giữa Đoàn trường với thanh niên địa phương, chị gặp anh, cảm mến mà nên duyên vợ, chồng. Bạn bè ai nấy đều bảo họ là cặp trai tài, gái sắc. Chị là giảng viên, anh là thợ sửa chữa, được bố mẹ mở cho cửa hàng mua, bán phụ tùng xe máy, ô tô tại nhà.

 

Sau ngày cưới 1 năm, chị sinh con trai, đặt tên Trần Văn Tùng. 2 năm sau, vợ, chồng chị có thêm người con trai thứ 2, đặt tên Trần Văn Tiệm. Cuộc sống của một gia đình trẻ ngổn ngang thiếu thốn. Nhưng vợ, chồng chị động viên nhau vượt lên khó nhọc, cùng vun vén cho hạnh phúc gia đình, nhiều bữa vợ cùng chồng ăn độn sắn để nhường phần cơm trắng cho Tùng, Tiệm mau ăn, mau lớn.

 

Cuộc sống vật chất thiếu thốn, nhưng tình cảm vợ, chồng và các thành viên trong nhà luôn đong đầy yêu thương. Nhờ có tay nghề giỏi, cửa hàng của anh luôn đông khách. Còn chị, dù bận rộn chuyện con mọn, nhưng chưa bao giờ chị lơ là công việc chuyên môn. Chị kể: Hồi bấy giờ, cả xã hội đều khó khăn chứ đâu phải riêng nhà mình. Được đức chồng chị là người chịu khó, làm được bao nhiều tiền cũng đưa chị cất giữ. Nên lấy nhau được 5 năm, vợ chồng đã mua được đất, xin bố, mẹ bên chồng cho ra ở riêng.

 

Các cụ bảo: Vợ chồng chị hợp căn số, nên ở với nhau hòa thuận, làm việc gì cũng gặp may. Ra ở riêng được 3 năm, vợ, chồng chị đã có tiền xây lại ngôi nhà mới để ở. Các con chị, Tùng và Tiệm học hết THCS, lần lượt thi đỗ vào Trường Chuyên Thái Nguyên, năm nào các cháu cũng đạt học sinh giỏi. Rồi sau tốt nghiệp THPT, Tùng thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. 2 năm sau, Tiệm thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà nội. Bạn bè cùng trang lứa luôn mến nể về sự chăm, ngoan học tập, rèn luyện của anh em Tùng, Tiệm. Còn bà con trong khu phố thường mượn Tùng, Tiệm làm gương nhắc nhở con, cháu mình.

 

Nhưng giông tố cuộc đời đã giáng xuống, làm tan nát gia đình chị. Chỉ hơn 1 năm xa vòng tay bố, mẹ, anh em Tùng, Tiệm bắt đầu làm quen với lô đề. Lúc được tiền bạn bè đều biết; lúc không trúng lô đề thì chẳng ai quan tâm. Vợ chồng chị biết chuyện, nhưng làm ngơ, coi đó chỉ là chuyện vặt vãnh trong cuộc sống.

 

Trong lúc vợ, chồng chị bận rộn với công việc làm giàu và giữ nếp sống tiết kiệm, thì các con lún sâu hơn vào lô đề. Học hành chểnh mảng, sút kém, cũng là lúc đám bạn xấu đến kết thân. Vì muốn thể hiện mình, Tùng bắt đầu có mặt ở nhiều đám đánh lộn. Hơn thế, Tùng về nhà nã tiền bố, mẹ với lý do học thêm ngoại ngữ, tin học. Có tiền, Tùng tụ tập bạn xấu đi vũ trường, dùng ma túy. Còn Tiệm do được bố mẹ cưng chiều, thiếu kỹ năng sống tự lập, nên cũng nhanh chóng bị bạn xấu lôi kéo vào tệ nạn xã hội. Song vợ, chồng chị không tin, luôn bao biện với mọi người rằng con mình chăm ngoan, hiếu học. Vì hằng tháng, ngoài tiền nhà trọ, tiền học phí, tiền ăn, vợ, chồng chị còn cho các con khá nhiều tiền đi học thêm.

 

Như lời các cụ dạy: “Cái kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra”. Chị đau đớn khi phát hiện Tùng sử dụng ma túy, còn Tiệm là môn đồ cá độ bóng đá. Chị không dám cho chồng biết, vì sợ chồng nổi giận, đánh các con. Hơn nữa, gia đình chị đang là một tổ ấm mẫu mực trong khu phố. Cũng vì việc chị âm thầm cung cấp tiền cho các con mà không rõ lý do, vợ, chồng chị bắt đầu nặng lời với nhau. Mỗi lần to tiếng, dù biết các con sai, việc mình cho tiền con nhiều như thế là sai, nhưng chị luôn đứng về phía các con.

 

Cho đến một ngày, chủ nợ cho người về tận nhà thông báo: “Con ông, bà đang nợ chúng tôi hơn 1 tỷ đồng. Muốn cứu con, ông bà đứng ra bảo lãnh, trả nợ”.

 

Chị điếng người, dồn tất cả tiền tích lũy trong nhà, không đủ, chị mượn thêm của họ mạc. Chị đau lòng lắm, khóc, bảo các con từ bỏ thói hư, phấn đấu học hành để trở thành một người có ích cho xã hội.

 

Nhưng tiền bạc không làm nên nhân cách con người, Tùng, Tiệm tiếp tục giao du kết bạn với người xấu. Nên lần này, lần nữa vợ, chồng chị phải bán hết đất đai, tài sản, nhà cửa để trả nợ cứu con. Đau đớn chất đầy lưng chị: 2 con trai bỏ học, Tùng nhập bọn đòi nợ thuê bị công an bắt; Tiệm lang thang tại các điểm “chợ lao động”, ai thuê mướn gì, làm nấy, không dám về nhà. 

 

Mất hết tài sản nhưng không cứu được con. Chồng chị chán nản, bỏ nhà đi theo người đàn bà khác. Còn chị, một thân đi ở trọ, sống lủi thủi vì xấu hổ. Chị gạt nước mắt, bảo: Nhiều đêm nghĩ uất ức không ngủ được. Lắm lúc muốn quyên sinh cho rồi đời, nhưng vì các con, nên tôi phải sống để các con có chỗ dựa.

 

Chị lấy điện thoại gọi cho con: Tùng ơi, Tiệm ơi, các con có thương mẹ thì tránh xa người xấu, về với mẹ. Mẹ luôn mở lòng đợi các con về. Mẹ, con mình cùng làm lại cuộc đời… Chị nói trong nức nở.

 

Tôi bùi ngùi, động viên: Chị ơi, cuộc đời không bao giờ là quá muộn. Tất cả đều có thể làm lại từ đầu. Bởi Tùng, Tiệm từng là những đứa con ngoan, biết hiếu kính với bố, mẹ, biết phấn đấu trong học tập tập, rèn luyện. Lời động viên của chị đúng lúc, sẽ là sợi dây vô hình kéo các con về lại với cuộc đời.

 

---------------------------------------------------------

 

Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.