Mô hình Tổ môi trường của xóm Thông

14:48, 21/06/2017

Được thành lập từ năm 2015, với 12 thành viên, đến nay sau hơn 2 năm đi hoạt động, Tổ môi trường của xóm Thông, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) đã có những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Xóm Thông, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) có 117 hộ, 460 nhân khẩu. Đây là một trong những xóm có số dân đông nhất xã. Khoảng 90% người dân trong xóm sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ. Trước đây, do nếp sống sinh hoạt nên nhiều người vẫn có thói quen vứt rác thải sinh hoạt, đặc biệt là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, dọc đường bê tông xóm, cổng Trường học gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Đầu năm 2014, theo chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, xóm được triển khai xây dựng hơn 30 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Song người dân đã coi đây là những bãi rác của xóm và đổ vào đây các loại rác thải sinh hoạt, bao bì, xác chết động vật. Nhiều gia đình có công việc lớn như ma chay, cưới hỏi xong cũng tuồn hết rác vào đây khiến cho các bể này càng đầy ứ. Mỗi khi mưa gió, mùi hôi thối từ các bể rác bốc lên khiến ai đi qua cũng khó chịu. Anh Nguyễn Xuân Trường, một người dân trong xóm chia sẻ: Rác chất đầy trên bể chứa, rơi vãi xung quanh rất khó tiêu huỷ, khiến chó mèo tha lôi đi khắp nơi, nhiều khi tha vào trong vườn nhà tôi gây mất vệ sinh. Tôi đã nhiều lần dọn dẹp, song dọn cũng không xuể.

 

Với mục đích giữ gìn đường làng ngõ xóm luôn xanh - sạch - đẹp cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, cuối năm 2015 xóm đã họp bàn và quyết định thành lập “Tổ môi trường”. Tổ có 12 thành viên, hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Xóm trích tiền quỹ để mua sắm các dụng cụ như chổi, xe đẩy rác cho các thành viên thu gom và xử lý rác thải. Hàng tuần, hàng tháng, Tổ môi trường thu dọn vệ sinh tại các trục đường quanh xóm, cổng trường tiểu học, vớt bèo, rác, nạo vét cống rãnh, phát dọn cây cối; nhắc nhở bà con không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng túi ni lông… Với phương châm “Mỗi hội viên một hành động, mỗi tổ, nhóm một hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường”, Tổ đã phối hợp cùng các hội, đoàn thể của xóm tổ chức phát động phong trào bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức: thành lập các mô hình tự quản, như tuyến đường tự quản của Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… Đặc biệt, Chi hội Phụ nữ gắn bảo vệ môi trường với phong trào “5 không, 3 sạch”; thường xuyên quét dọn, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trên các trục đường, ngõ xóm và khu dân cư trên địa bàn; đồng thời tổ chức khơi thông cống rãnh, kênh mương, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; tu sửa đường giao thông thôn xóm…

 

Để phát động và thuhút được đông đảo người dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, xóm Thông đã thực hiện những cách làm bài bản, không hình thức, phô trương hay khẩu hiệu, làm đến đâu hiệu quả đến đó, xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc bình xét gia đình văn hoá của các hộ dân luôn gắn với trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường, xem đó là một tiêu chí cơ bản để đánh giá. Ông Nguyễn Đức Quyết, Trưởng xóm Thông cho biết: Hằng tháng, chúng tôi đều lồng ghép tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường thông qua các cuộc họp, trên loa truyền thanh. Người dân nào phát hiện ra những hành vi xả rác thải bừa bãi đều phản ánh trực tiếp đến trưởng xóm để nhắc nhở kịp thời. Nhờ vậy, ý thức người dân được nâng cao, đường làng ngõ xóm luôn phong quang, sạch sẽ.

 

Những việc làm thiết thực của Tổ môi trường cũng như của xóm Thông đã góp phần nâng cao nhận thức, từng bước làm thay đổi hành vi, ý thức cho nhân dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường.