Tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết

14:06, 15/06/2017

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện trung bình mỗi tuần trên cả nước có 1.700-1.800 bệnh nhân sốt xuất huyết mới. Các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Nam, Cà Mau, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi là những địa phương đang có số mắc tăng cao so với cùng kỳ 2016. Các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh sốt xuất huyết với 80% ca mắc và 90% ca tử vong trong cả nước.

Nước ta hiện lưu hành 4 tuýp vi rút sốt xuất huyết, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên một người có thể mắc mắc bệnh nhiều lần trong đời. Người bệnh cũng sẽ trở thành nguồn lây nếu muỗi đốt người bệnh rồi đốt sang người khỏe mạnh. Do đó, người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.

 

Ở Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch, đặc biệt là vùng nông thôn khiến người dân có thói quen tích trữ nước trong lu, bể, dễ tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản. Bên cạnh đó, việc không thường xuyên vệ sinh, thay nước trong lọ hoa, bể cây cảnh cùng với điều kiện nhà ở, nhà trọ, lán trại, các công trình xây dựng, chuồng trại thiếu vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo ở các vùng ven đô cũng là yếu tốt giúp muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và nguy cơ gây dịch bệnh rất lớn.

 

Cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin đã có nhưng chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Vì vậy, hiện nay việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết chủ yếu dựa vào phòng chống, loại bỏ các nguồn lây bệnh. Mặt khác, biến đổi khí hậu cùng với sự nóng lên của trái đất, hiện tượng El Nino, phương tiện giao thông hiện đại, đô thị hoá không kiểm soát và di biến động dân cư làm cho công tác phòng chống sốt xuất huyết càng trở nên khó khăn.

 

Phòng chống sốt xuất huyết hiện đang là bài toán nan giải không chỉ của riêng Việt Nam mà của cả quốc tế. Hiện nay, giải pháp chính để phòng chống sốt xuất huyết là giảm véc tơ, tức là giảm muỗi. Các biện pháp cần triển khai để phòng bệnh là: Giảm các dụng cụ chứa nước là nơi sản sinh ra bọ gậy, phun hóa chất giệt muỗi và quan quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động của người dân liên quan đến phòng bệnh...

 

Các nghiên cứu về vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết đã được triển khai và thử nghiệm ở một số nơi. Tuy nhiên, đến nay, vắc xin này vẫn chưa được nhân rộng bởi tính hiệu quả của vắc xin chưa thuyết phục, đồng thời giá thành chưa phù hợp.

 

Hiện nay tại miền Bắc đang có nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, ngành Y tế cần tiếp tục giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch và tiến hành can thiệp, phun hóa chất khi phát hiện ổ dịch, tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, tập trung các biện pháp điều trị cho bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong...

 

Theo các chuyên gia, vi rút sốt xuất huyết đã lưu hành ở nhiều tuýp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn bị nặng hơn lần trước. Vì vậy, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các vùng nước thải, nước tù, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên, đi ngủ mắc màn... là những việc làm cần thiết để đề phòng sốt xuất huyết.

 

Để tích cực phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Để phòng bệnh hiệu quả, người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.