Thấy gì từ việc làm đường ở Đồng Thịnh?

10:26, 12/06/2017

Vừa qua, Báo Thái Nguyên nhận được đơn của một số hộ dân xã Đồng Thịnh (Định Hóa) phản ánh: Trong 2 năm (2014-2015), khi thanh quyết toán các công trình giao thông nông thôn, UBND xã đã trích lại 5 triệu đồng từ mỗi công trình xây dựng để làm hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công và tiền thuê cán bộ hướng dẫn kỹ thuật là bất hợp lý, gây bức xúc trong dư luận.  

Theo đơn phản ánh, trong 2 năm (2014-2015), UBND xã Đồng Thịnh đã khởi công xây dựng 22 công trình đường bê tông liên thôn, nội đồng. Các công trình đều do UBND xã Đồng Thịnh làm chủ đầu tư, tổ đội thi công các thôn, xóm trực tiếp làm đường hoặc thôn, xóm thuê doanh nghiệp làm. Song, khi thanh quyết toán các công trình, UBND xã đã trích lại tiền từ mỗi công trình 5 triệu đồng với lý do: thuê cán bộ kỹ thuật và làm hồ sơ thiết kế, làm hồ sơ thanh quyết toán. Các ý kiến phản ánh đều cho rằng việc trích lại tiền như vậy là bất hợp lý.

 

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, Đồng Thịnh là 1 trong 2 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện Định Hóa. Để xã "về đích" nông thôn mới theo đúng lộ trình (năm 2015), huyện Định Hóa đã ưu tiên, tập trung các nguồn lực để xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, trong đó có tiêu chí giao thông. Theo đó, trong 2 năm (2014-2015), UBND xã Đồng Thịnh đã được huyện đầu tư 22 công trình đường bê tông liên thôn, nội đồng (theo Chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh) với tổng kinh phí trên 6,5 tỷ đồng. Các công trình đều do UBND xã làm chủ đầu tư. Theo phản ánh, mỗi công trình đều bị xã trích lại 5 triệu đồng để in ấn, làm hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công và tiền thuê cán bộ hướng dẫn kỹ thuật. Ông Phùng Đức Tám, Trưởng thôn Nà Táp cho biết: Trong 2 năm (2014 - 2015), xóm được đầu tư xây dựng 1 tuyến đường bê tông liên thôn dài 294m với tổng trị giá trên 240 triệu đồng, 1 tuyến đường bê tông nội đồng dài trên 261m với tổng trị giá gần 167 triệu đồng. Cả hai tuyến đường này đều bị xã trích lại mỗi công trình 5 triệu đồng. Ông Nông Văn Thon, nguyên Trưởng thôn Nà Trà cũng thông tin thêm: Cuối năm 2013, đầu năm 2014, xã đầu tư xây dựng tuyến đường liên thôn Nà Trà - Khuân Ca có tổng chiều dài trên 1.500m, trong đó đoạn qua thôn là 700m. Nhân dân tự bỏ công sức để làm. Thế nhưng, khi hoàn thành, công trình bị xã trích lại 5,5 triệu đồng để chi vào làm hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công và tiền thuê kỹ thuật. Tôi được biết, thôn Khuân Ca cũng bị trích lại khoản tiền như vậy.

 

Việc mỗi công trình đường bê tông sau khi hoàn thành đều bị trích lại một khoản tiền như đã nêu ở trên khiến nhiều người dân trong xã cảm thấy băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Miêng, Trưởng thôn Đồng Phương chia sẻ: Sau khi hoàn thành tuyến đường liên thôn Đồng Phương - Đồng Mòn, thôn bị xã trích lại 5,3 triệu đồng để in ấn, làm hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công và tiền thuê cán bộ hướng dẫn kỹ thuật. Mặc dù đã được xã giải thích nhưng bản thân tôi vẫn rất băn khoăn. Bởi, cả huyện và xã đều phát động phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, các cơ quan, đơn vị ở huyện còn góp công, góp sức cùng bà con làm đường thì tại sao xã còn trích lại số tiền đó. Thêm nữa, cán bộ kỹ thuật do xã thuê rất ít khi có mặt tại nơi đang thi công tuyến đường, liệu đã làm tốt nhiệm vụ của mình, có xứng đáng nhận số tiền mà người dân đã bỏ ra?

 

Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, ông Vũ Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh cho biết: Việc trích lại khoản tiền trong xây dựng các tuyến đường bê tông nông thôn ở xã trong 2 năm 2014 và 2015 như phản ánh của nhân dân là có. Tuy nhiên, không phải công trình nào cũng trích lại 5 triệu đồng như bà con phản ánh, có công trình chỉ trích lại 3 triệu đồng. Số tiền này được UBND xã chi cho iệc in ấn tài liệu, hồ sơ thiết kế (mỗi công trình từ 1-2 triệu đồng) và thuê cán bộ hướng dẫn thi công (mỗi công trình nhiều nhất là 3 triệu đồng). Việc này đã có sự thống nhất giữa lãnh đạo UBND xã và đại diện các thôn, xóm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận được một số ý kiến thắc mắc từ người dân trong xã, lãnh đạo UBND xã đã trả lời những thắc mắc đó trong Hội nghị giao ban tháng với trưởng xóm, bí thư chi bộ các thôn, xóm. Năm 2014-2015 là khoảng thời gian xã được giao làm chủ đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường bê tông, lại do bà con tự thi công hoặc thuê doanh nghiệp. Để đảm bảo xây dựng theo đúng quy định, xã nhận thấy cần phải có người hướng dẫn thi công, vì khoảng thời gian đó, cán bộ chuyên môn của xã chưa có kinh nghiệm về hướng dẫn kỹ thuật thi công công trình nên chúng tôi đã họp bàn, thỏa thuận với các thôn để xã đứng ra thuê giúp người hướng dẫn thi công...

 

Ông Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Định Hóa cho biết: Việc xã Đồng Thịnh trích lại một khoản tiền cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng để chi in tài liệu, làm hồ sơ các công trình xây dựng đường bê tông nông thôn trong 2 năm 2014-2015 tôi mới được nghe, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin. Theo tôi được biết, việc làm hồ sơ, in tài liệu là do xã phải trả kinh phí. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở lại đây, Phòng đã được UBND huyện cấp khoảng 50 triệu đồng hỗ trợ in ấn tài liệu, làm hồ sơ xây dựng các công trình đường bê tông nông thôn nên các xã không phải mất chi phí cho việc này nữa. Còn đối với việc xã thuê cán bộ hướng dẫn thi công, tôi thấy không cần thiết, bởi, xã đã có cán bộ Địa chính - Xây dựng có trình độ chuyên môn và đã được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ tại huyện.

 

Như vậy, việc trích lại tiền để chi in tài liệu, làm hồ sơ và thuê cán bộ hướng dẫn kỹ thuật ở xã Đồng Thịnh là không đúng nên đã gây bức xúc trong dân. Đây là vấn đề cần các cơ quan chức năng của huyện xem xét trả lời thỏa đáng, tránh gây bức xúc trong dân, bởi nguồn tiền trích lại không nhỏ, trong khi đây là tiền do nhân dân đóng góp đối ứng để làm đường.