Trước anh tôi thấy mình nhỏ bé

14:21, 16/06/2017

Chuyến hải trình đến với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc những ngày đầu tháng 5 vừa qua đã để lại trong mỗi chúng tôi - những người làm báo - biết bao kỷ niệm sâu đậm. Có lẽ dấu ấn lớn nhất đối với chúng tôi chính là tinh thần quả cảm, mưu trí, chấp nhận hy sinh vì biển đảo quê hương của người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Nhân vật được đồng đội nhắc đến nhiều hơn cả là Trung tá Bùi Xuân Bổng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/9 Ba Kè - người đã gắn cả đời binh nghiệp của mình với các nhà giàn đầy khắc nghiệt.

Cái tên Bùi Xuân Bổng xuất hiện và in đậm trong tâm trí tôi theo một cách rất khác biệt. Và ngay khi tiếp nhận cái tên ấy cùng những hành động quả cảm của anh, tôi đã thật sự bị khuất phục. Chả là, hôm ấy khi chuyến hải trình 10 ngày của đoàn chúng tôi chuẩn bị kết thúc, trước khi rời tàu lên Nhà giàn DK1/9, Trưởng đoàn công tác, Đại tá Đỗ Tấn Hồng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Quân chủng Hải quân quyết định thả neo tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ nhà giàn, bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Sau lời diễn văn nghẹn ngào, xúc động tưởng nhớ những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi mênh mông trong những lần chiến đấu chống chọi với sóng cuồng, bão dữ là hình ảnh những người chỉ huy mưu trí, dũng cảm, xả thân vì đồng đội. Trong đó có tấm gương Bùi Xuân Bổng.

 

Đại tá Đỗ Tấn Hồng giọng khản đặc, từng lời như muốn nghẹn lại, nhưng trong ông, tôi cảm được lòng tự hào và vinh dự đang trào dâng mỗi khi nhắc đến tên đồng đội của mình: “Chúng tôi cảm phục sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, chiều ngày 4-12-1990, tạo ra sóng lớn như muốn nuốt lấy nhà giàn. Trong hiểm nguy, dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn đã ra sức chống chọi với cơn bão. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, Nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển”. Đại tá Hồng đọc đến đây dừng lại một lúc lâu lấy khăn thấm nước mắt và tiếp: Có 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Bùi Xuân Bổng đã dũng cảm cùng 4 anh em còn lại dù bị sóng dữ quăng lên quật xuống song nỗ lực hết mình cùng nhau bám trụ tại khu vực Nhà giàn chờ cứu viện. Đây là sự kiện không thể nào quên của các thế hệ lính nhà giàn.

 

Nhà giàn DK1/9 Ba Kè, nơi Trung tá Bùi Xuân Bổng làm Chỉ huy trưởng.

 

Sau lễ tưởng niệm, chúng tôi di chuyển xuồng máy từ tàu vào Nhà giàn DK1/9 Ba Kè cách đấy chừng 0,5 hải lý. Thật bất ngờ, tiếp và làm việc với chúng tôi lại chính là người chỉ huy Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần bị bão quật ngã năm xưa - anh Bùi Xuân Bổng. Giờ anh đã đeo quân hàm Trung tá, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Nhà giàn. Anh có dáng người tầm thước, nước da nâu xạm vì nắng gió biển mặn. Trông bề ngoài rất khó đoán tuổi, nhiều đồng đội bảo anh trẻ, nhưng thực tình anh đã có gần 30 năm trong quân đội và chuẩn bị xuất ngũ. Anh tâm sự: Cả cuộc đời binh nghiệp tôi chỉ gắn bó với nhà giàn. Tôi coi Nhà giàn như ngôi nhà thân thương của mình. Từ khi nhập ngũ đến nay dù nhiều lần được cấp trên điều động giữ vị trí khác, nhưng tôi đều bày tỏ nguyện vọng xin được ở lại nhà giàn. Ở đây tuy chật chội, điều kiện sinh hoạt khó khăn, song anh em chúng tôi luôn nêu cao tinh thần “còn người, còn Nhà giàn, còn Tổ quốc”, vượt lên tất cả. Nhà giàn được ví như chiếc mắt thần giúp ta canh giữ vững chắc chủ quyền vùng biển Tổ quốc, nên chúng tôi càng ý thức được trách nhiệm cao cả, nặng nề của mình.

 

Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1 vùng 2 Hải quân chia sẻ: Trước đây tôi cũng làm Chỉ huy trưởng một nhà giàn, trực tiếp là đồng đội sát cánh cùng anh Bổng và anh em canh giữ biển trời Tổ quốc nên rất hiểu con người anh. Ngoài có tinh thần thép, mưu trí, nhanh nhẹn và kinh nghiệm xử lý tình huống, anh còn là người sống tình cảm, luôn biết thương yêu chia sẻ và đùm bọc anh em chiến sĩ.

 

Khi cánh nhà báo chúng tôi đề nghị phỏng vấn anh về hành động dũng cảm chống chọi với bão lũ cách nay gần 27 năm,  Trung tá Bùi Xuân Bổng khẽ xua tay, nói: Còn nhiều tấm gương cao đẹp lắm, mình đã là gì đâu. Và giọng anh chùng xuống khi kể về trường hợp của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Trạm phó Chính trị Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần ở thời điểm nhà giàn bị bão đánh sập năm 1990: “Đồng chí Quảng đã nêu cao vai trò lãnh đạo của người Bí thư chi bộ, dù bị quật ngã xuống biển lúc sức gió đang giật cấp 12, song vẫn động viên đồng đội cùng hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, Quảng đã nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất để rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu”.

 

Qua Trung tá Bùi Xuân Bổng được biết nhiều hơn những hy sinh mất mát của các anh và đồng đội, chúng tôi những người làm báo Đảng địa phương có dịp ra thăm Trường Sa, Nhà giàn DK1 thật sự thấy mình quá đỗi nhỏ bé, cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để đáp lại những tấm gương không quản ngại gian nguy, luôn vững tay súng, xả thân vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.