Mặc dù đã có những cố gắng trong việc xử lý tình trạng ngập úng trên địa bàn, nhưng sau hai trận mưa vừa qua, T.P Thái Nguyên vẫn còn tình trạng ngập ở một số điểm, điều này làm cho nhiều hộ dân vùng trũng lo lắng.
Có mặt tại tổ 3, đường Minh Cầu, phường Phan Đình Phùng (nơi xảy ra tình trạng ngập úng vào chiều tối ngày 6 và 12-6), chúng tôi thấy có khá nhiều bất cập trong việc tiêu thoát nước. Toàn bộ khu vực này thấp hơn rất nhiều so với xung quanh. Bà Đỗ Thị Chung, sinh sống tại đây than thở: Sống ở đây lâu năm, trước chúng tôi không thấy cảnh ngập úng thế này bao giờ, nay cứ mưa là ngập. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, xung quanh khu vực này có 2 khu dân cư (KDC) mới: KDC số 9 và KDC số 5. KDC số 9 xây dựng hệ thống thoát nước không đồng bộ với hệ thống thoát nước chung (thấp hơn hệ thống thoát nước chung khoảng 70cm), bởi vậy khi mưa to nước dồn vào KDC sau đó chảy ngược lại hệ thống thoát nước chung làm chậm lại quá trình tiêu thoát nước.
Nằm cách khu vực này không xa, KDC số 5 đang được xây dựng, bởi vậy một số đoạn mương chưa được làm. Thêm vào đó, nhiều lô đất vẫn đang trong trong quá trình san gạt mặt bằng, đất đá ngổn ngang, trôi cả xuống hệ thống thoát nước chung. Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị T.P Thái Nguyên, tình trạng các KDC thiết kế hệ thống thoát nước theo kiểu “tùy hứng” không ăn nhập với hệ thống thoát nước chung của Thành phố không phải là ít. Bên cạnh đó, nhiều KDC, khu đô thị chưa được giao về Thành phố quản lý, không thường xuyên nạo vét cống thoát nước cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng.
Khảo sát tình hình thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy ý thức của nhiều người dân trên địa bàn chưa cao, tùy tiện xả rác bừa bãi xuống hệ thống thoát nước, nhiều hộ dân còn xây dựng công trình xâm lấn ra cả dòng suối, mương thoát nước. Điển hình nhất là đoạn mương qua khu vực tổ 22, phường Trưng Vương (gần cầu Bóng tối) nhiều hộ dân xây công trình lấn ra cả lòng mương, làm dòng chảy bị thu hẹp, dưới lòng mương có khá nhiều rác thải sinh hoạt không được nạo vét. Hay tại khu vực cầu Xuân Thịnh (đường Bắc Nam), nơi này hiện nay ứ đọng khá nhiều rác, đã vậy lòng suối lại bị ngăn bởi một tấm chắn để tránh rác chảy vào hồ điều hòa Xương Rồng. Một số hộ dân sống gần đây cho biết: Nhiều năm nay, toàn bộ nước mưa, nước thải từ khu vực ngã tư Đồng Quang; khu vực các TDC các tổ số 3, 4, 5 phường Đồng Quang; Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đều thoát qua đây nhưng do dòng chảy tại đây tắc nghẽn đã gây ra tình trạng ngập úng tại các điểm ngã tư Đồng Quang, cổng Bệnh viện Trung ương mỗi khi có mưa lớn.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ nhiều năm nay nước mưa, nước thải từ trung tâm T.P Thái Nguyên chủ yếu thoát qua tuyến mương từ cầu Bóng Tối đến chân núi Tiện, thuộc địa phận 4 phường: Phan Đình Phùng, Trưng Vương, Túc Duyên, Gia Sàng (có tổng chiều dài khoảng 3 km), nhưng tuyến mương này là mương đất, lâu ngày lòng mương không được nạo vét nên lắng đọng rất nhiều bùn và chất thải. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị T.P Thái Nguyên cho biết thêm, để nạo vét toàn bộ tuyến mương trên thì cần nguồn kinh phí rất lớn, hiện nay thành phố cũng đang tìm nguồn để thực hiện.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ chỉ T.P Thái Nguyên cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm lấn chiếm công trình thoát nước trên địa bàn; tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, không vứt rác thải bừa bãi, đặc biệt không vứt rác thải xây dựng, rác thải rắn xuống lòng mương, cống rãnh thoát nước. Khi xây dựng KDC, khu đô thị, chủ đầu tư cần bàn bạc với các ngành chức năng thành phố thiết kế, xây dựng hệ thống mương đồng bộ với hệ thống thoát nước chung...