Cần có phương án phòng, chống sạt lở tại xã Linh Thông

09:33, 05/07/2017

 Địa hình đồi núi phức tạp, độ dốc lớn và bị chia cắt bởi các khe lạch, khu vực đầu nguồn xã Linh Thông (Định Hóa) thường chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ quét, lũ ống và sạt lở đất khi mùa mưa bão đến.   

Linh Thông là nơi tập trung nhiều con suối đầu nguồn nên khi mưa lớn, nước đổ về nhanh tạo thành lũ quét, lũ ống và đi kèm là nguy cơ sạt lở và đá lăn. Trong đó các xóm thường xuyên bị đe dọa là Nà Chác, Nà Chú và Làng Mới.

 

Có mặt tại chân núi Nản, xóm Nà Chác những ngày này, chúng tôi có thể cảm nhận được sự lo lắng của người dân sống tại đây trước nguy cơ đá lăn bất kỳ lúc nào. Chị Ma Thị Luyến kể lại: “Đầu tháng 7-2016, gia đình tôi đang ngồi trong nhà thì nghe thấy có tiếng động lạ từ trên núi. Khi chạy ra sau nhà xem thì thấy một tảng đá to khoảng 7 khối sắp lăn xuống nhà. Rất may, phía sau nhà có bụi cây chắn ngang nên tảng đá bị chặn lại”. Cùng thời gian đó, gia đình ông Nguyễn Văn Bảy cũng bị một tảng đá to khoảng 5 khối lăn từ trên đỉnh núi xuống nhà. Rất may, hòn đá lăn đến gần tường nhà thì dừng lại nên không gây thiệt hại về người và tài sản. Ông Lưu Tiến Chung, Trưởng xóm Nà Chác thông tin: “Hiện nay, xóm có 14 hộ sống dưới chân núi Nản có nguy cơ bị đá lăn vào mùa mưa bão. Từ đầu năm đến nay, nhiều hộ đã bị đá lăn xuống nhà. Kích cỡ đá to bằng bao tải nhưng rất may không gây thương vong cho người mà chỉ làm thủng tường và mái nhà dân. Bước vào mùa mưa bão, người dân càng thêm lo vì lớp đất bao bọc đá trên núi bị bào mòn, lớp thực vật mỏng, ít cây to, không giữ được đá nặng, tiềm ẩn nguy cơ đá lăn”. Ngoài 14 hộ nói trên, còn có gia đình bà Ma Thị Nguyệt (ở dốc Đèo Chón) đang sống trong cảnh thấp thỏm trước nguy cơ nhà bị cuốn trôi. Căn nhà của bà Nguyệt ở lưng chừng đồi. Phía trước nhà bị ngăn cách bởi dòng suối có bờ cao gần 3m. Trận mưa bão tháng 5 vừa qua, nước suối dâng cao, chảy xiết, làm sạt lở hơn 8m sân phía trước nhà, mặc dù, trước đó, gia đình đã kè đá hai bên bờ suối. Nếu mưa lũ còn tiếp tục, căn nhà có nguy cơ bị cuốn trôi…

 

Còn xóm Nà Chú,  trận mưa lũ xảy ra trong tháng 5 vừa qua cũng đã làm sạt lở nhiều địa điểm dọc bờ suối Đồng Muốn, gây thiệt hại hơn 2 mẫu lúa và hoa màu của xóm; xói lở hơn 50m đường liên xóm. Mưa lớn khiến 7 hộ dân sống dưới chân núi Nà Bục lo lắng vì nguy cơ sạt lở. Phần lớn nhà cửa của các hộ là nhà sàn, quay lưng vào ta luy đồi cao 5-10m nhưng chưa đảm bảo các quy định an toàn cần thiết như: khoảng cách tới ta luy đồi tối thiểu 10m, phải có hệ thống kè chắn, mối giằng và các biện pháp gia cố, phòng chống sạt lở đất.

 

Vào mùa mưa bão, các hộ sống dưới chân núi Nản lại thêm lo lắng vì nguy cơ đá lăn. Trong ảnh: Tháng 7/2016, một tảng đá to khoảng 7 khối lăn từ đỉnh núi Nản lắn xuống nhà chị Ma Thị Luyến (xóm Nà Chác, xã Linh Thông, huyện Định Hóa).

 

Hộ ông Phan Thanh Bế (xóm Nà Chú) ở lưng chừng đồi, trước nhà là suối còn phía sau là ta luy đồi cao gần 5m. Ông Bế nói: “Nếu có lũ quét, hoặc mưa lớn cục bộ thì phía trước và sau nhà tôi dễ bị sạt lở. Trận lũ tháng 5 vừa qua khiến hàng chục khối đất đá từ đỉnh đồi tràn xuống vườn và chuồng trại phía sau nhà”.

 

Còn tại xóm Làng Mới hiện vẫn còn một số hộ sống gần bờ suối như hộ ông Mạc Văn Khánh, hộ ông Nguyễn Văn Ngọc. Khi lũ đổ về, các hộ này thường bị ngập sâu từ 40 - 60 cm và nguy cơ sạt lở. Ông Mặc Văn Khánh cho hay: “Cứ vào mùa mưa bão, nhà tôi lại bị ngập 3-4 trận. Khi đó, phải đi sơ tán đến ở nhờ nhà họ hàng. Những năm gần đây, lũ quét nhiều và hay về đột ngột, gia đình khó mà ứng phó kịp thời. Dẫu biết nguy hiểm nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện di dời nên cũng đành chịu”.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện xã Linh Thông chỉ có 32 hộ nằm trong Dự án “Khu tái định cư di dân khẩn cấp vùng thiên tai” do Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai từ cuối năm 2015. Các hộ này thuộc ba xóm nói trên và nằm rải rác khắp các xóm của xã. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay. Tuy nhiên, đến nay, Dự án đã chậm tiến độ hơn 2 tháng và 32 hộ này vẫn đang phải sống trong nỗi lo sợ vào mùa mưa bão, đặc biệt là những hộ sống dưới chân núi Nản (xóm Nà Chác) với nguy cơ bị đá lăn. Hơn nữa, vào thời điểm triển khai Dự án, chỉ có 32 hộ nhưng đến nay đã có thêm nhiều hộ của xóm Nà Chác, Nà Chú, Làng Mới sống trong vùng có nguy cơ bị thiên tai.

 

Ông Lưu Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã cho biết: Do mưa nhiều nên Dự án bị chậm tiến độ. Hiện tại, xã đang đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu bàn giao khu tái định cư cho 32 hộ vào giữa tháng 7, đồng thời rà soát thêm các hộ có nguy cơ sạt lở, đá lăn nằm ngoài Dự án. Trong điều kiện quỹ đất tái định cư và nguồn vốn hỗ trợ đang hạn chế như hiện nay, xã sẽ tham mưu với cơ quan cấp trên ưu tiên hộ cần di dời cấp bách. Còn những hộ có thể khắc phục tại chỗ, chưa cần di dời ngay, xã sẽ tăng cường tuyên truyền, thông tin về tình hình dự báo thời tiết qua loa phát thanh xóm; vận động và bố trí nhân lực hỗ trợ phương án cải tạo tại chỗ (nới rộng khoảng cách ta luy, đắp bờ rào); hỗ trợ di cư xen ghép giữa các xóm...

 

Đây mới chỉ là giải pháp trước mắt, theo chúng tôi, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có thêm những giải pháp lâu dài giúp các hộ nói trên sớm được di dời đến nơi ở an toàn, ổn định cuộc sống và yên tâm lao động sản xuất mỗi khi vào mùa mưa bão.