Người lính Cụ Hồ mẫu mực

09:22, 04/07/2017

Trong đợt cùng Đoàn công tác đi nghiệm thu tuyến đường bê tông ở xóm Thanh Xuyên 5, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên), tôi được gặp ông Nguyễn Văn Phẩm, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của xóm. Ông đã từng là một người lính can trường trong các cuộc kháng chiến, là thương binh hạng 3/4. Đến khi về với đời thường, ông luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và tham gia hoạt động xã hội.

Ông Phẩm năm nay đã 75 tuổi, tóc bạc trắng nhưng vẫn giữ được dáng vóc nhanh nhẹn, hoạt bát và giản dị. Được mời vào thăm gia đình, tôi thật sự choáng ngợp trước cơ ngơi của ông giữa chốn nông thôn này. Qua cánh cổng sắt chắc chắn, chúng tôi thả bước trên mặt đường lát gạch phẳng mịn. Bên phải là một khu vườn rộng chừng 500m2 với nhiều loại cây ăn quả và dãy chuồng chim bồ câu được bố trí ngăn nắp. Đàn chim khoảng 70 đôi ríu rít như đón chào khách quý. Phía cuối vườn là khu chuồng trại chăn nuôi với đủ loại lợn, gà, ngan, vịt và hàng chục thùng ong mật. Bên trái đường vào nhà là ao cá có diện tích mặt nước rộng 450m2. Chúng tôi vào nhà cụ mà ngỡ như đang đi vào khu du lịch sinh thái.

 

Ngôi nhà xây cấp 4, hiên tây 5 gian của ông được bóng cây che mát với khoảng sân rộng. Ở góc sân, ông kê một bộ bàn ghế đá ngồi thưởng trà. Cạnh đó là căn nhà 2 tầng mới xây với đầy đủ tiện nghi dành cho cậu con trai út.


Trong lúc trò chuyện chúng tôi được biết, vừa qua xóm có triển khai xây dựng đường nông thôn mới, gia đình ông Phẩm đã tự tháo dỡ 70m tường rào kiên cố, san lấp 80m2 ao thả cá, hiến đất thổ cư 80m2, chặt bỏ nhiều cây ăn quả. Không những vậy, ông còn vận động anh em, con cháu trong nhà, hiến đất, hiến công để làm đường giao thông nông thôn. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn tham gia sinh hoạt Chi bộ đều đặn. Với bà con chòm xóm, ông Phẩm sống giản dị, hoà nhã, được mọi người quý trọng.

 

Cũng trong buổi gặp mặt này, tôi may mắn được cụ kể lại về kỷ niệm một thời đạn bom khói lửa cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông kể: Tôi nhập ngũ ngày 21-5-1965. Sau đợt huấn luyện, tôi được phân về Trung đoàn 608, Sư đoàn 7 - Bắc Sơn, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ năm 1965 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau đó lại ra Bắc tiếp tục bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1984, tôi về nghỉ chế độ tại địa phương. Trong 20 năm quân ngũ, kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi là vào ngày 6-5-1967.

 

Ông Phẩm bồi hồi nhớ lại: Lúc đó, đơn vị tôi được lệnh lên đường chiến đấu giải vây cho một đơn vị bạn. Trong lúc giao tranh quyết liệt, một đồng chí bị thương nặng nằm bên chiến hào, hai tay đang chới với bò lên. Tôi lập tức nhảy xuống ôm, vác lên vai, chạy nhanh để đưa đồng chí ấy về nơi an toàn. Khi gần đến hầm cứu thương, tôi bị đạn bắn xuyên đùi trái, hai anh em gục xuống, rất may được đồng đội ứng cứu kịp thời, được đơn vị đưa về hậu phương. Sau này tôi mới biết chiến sĩ ấy tên Hải. Sau một thời gian điều trị, vết thương hồi phục, tôi lại tiếp tục xung phong ra mặt trận. Tháng 6-1967, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam giữa chiến trường ác liệt. Ký ức giữa ranh giới sống chết cùng đồng đội cứ ngỡ chỉ sống trong tâm trí, nào ngờ tôi có dịp được ôn lại. Đó là năm 1997, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7) do Ban liên lạc Trung đoàn tổ chức, tôi gặp anh Hải người đồng đội cùng vào sinh ra tử ngày nào. Sau 30 năm gặp lại, chúng tôi lần nữa được ôm nhau, xúc động trào nước mắt.

 

Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, về địa phương, ông Phẩm tích cực tham gia công tác xã hội như: Hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Hội Khuyến học, Chi hội Chữ thập đỏ và hiện là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm Thanh Xuyên 5. Dù ở cương vị nào, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2014, nhằm khôi phục văn hóa đọc trong cộng đồng, ông Phẩm đề xuất thành lập thư viện sách báo Chi hội Người cao tuổi của xóm. Được mọi người ủng hộ, sau một thời gian vận động, quyên góp sách, báo và tiền xây dựng, thư viện đã hình thành và được công nhận vào 11-2014. Hiện nay, thư viện có khoảng 2.500 cuốn sách các loại, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân đến đọc, nghiên cứu, được Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật thị xã Phổ Yên đánh giá cao. Những đóng góp của ông đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen “Người thương binh tiêu biểu làm kinh tế giỏi”; được công nhận các danh hiệu “Tuổi cao gương sáng”, “Gia đình văn hóa” tiêu biểu nhiều năm liên tục... Ông Phẩm đúng là đảng viên, người thương binh, người lính Cụ Hồ mẫu mực, đáng để mọi người học tập, noi gương.