Nỗi lòng người dân ở trong vùng quy hoạch

16:36, 02/07/2017

Cả gia đình có 3-4 thế hệ cùng chung sống trong một căn nhà chật hẹp, người dân không dám xây dựng nhà ở kiên cố hoặc cơi nới công trình phụ, bởi không biết khi nào đất đai của họ sẽ bị thu hồi bởi một dự án kéo dài gần 20 năm nay. Chúng tôi đã đến phường Bách Quang (T.P Sông Công), nơi có Khu công nghiệp (KCN) Sông Công I đang hoạt động để tìm hiểu vấn đề này.  

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công I được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999, diện tích quy hoạch 320ha do Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Năm 2009, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh diện tích xuống còn 220ha, đến năm 2014, diện tích KCN Sông Công I lại tiếp tục được điều chỉnh xuống còn 196ha. Thực hiện Dự án này có trên 150 hộ dân thuộc các tổ dân phố: Làng Mới, Chương Lương, Cầu Sắt, Dọc Dài và Gốc Gáo bị thu hồi đất. Tính đến nay, KCN Sông Công I đã thu hút được trên 75 dự án, trong đó có 40 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích thuê đất 76,6ha, qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên việc điều chỉnh quy hoạch của Dự án trên đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức từ Chính phủ khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong diện quy hoạch gặp nhiều khó khăn.

 

Trong cái nắng nóng của mùa hè, chứng kiến cảnh gia đình ông Phạm Đình Thắng ở tổ dân phố Chương Lương gồm 6 người hằng ngày phải sinh hoạt trong căn nhà chưa đầy 30m2 mới thấy được nỗi khổ của người dân nơi đây. Ông Thắng cho biết: Đất cha ông để lại hơn 3.000m2 nhưng vì nằm trong vùng quy hoạch không thể chia tách đất nên con trai ông dù đã lập gia đình hơn 10 năm nay vẫn chưa có đất để xây nhà. Đã nhiều lần ông Thắng làm đơn gửi lên cơ quan chức năng xin được cấp phép xây dựng tạm thời nhưng đều không được giải quyết. Dù biết xây nhà trên đất đã quy hoạch là vi phạm, nhưng “cực chẳng đã” ông phải “xé rào” để cất nhà ở tạm cho con. Tuy nhiên, căn nhà này đã bị đình chỉ xây dựng hơn nửa tháng nay vì không được cấp phép.

 

Cũng như gia đình ông Thắng, nhiều năm qua, gia đình ông Dương Anh Ngọt ở tổ dân phố Chương Lương gồm 11 người vẫn sống chung trong căn nhà 66m2 đã cũ hỏng. Chỉ tay ra căn phòng nhỏ, xiêu vẹo phía trước, ông Ngọt bùi ngùi: Căn phòng ấy trước đây là chuồng trâu của gia đình nhưng vì không được chia tách đất, không được làm nhà, nên khi cậu con trai thứ 3 lập gia đình, tôi đã phải sửa lại cái chuồng trâu cũ làm ngôi nhà tạm cho con ra ở riêng. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài không biết cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Dương Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND phường Bách Quang cho biết: Dự án KCN Sông Công I được triển khai đã giúp cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch chưa thực hiện xong đã tồn tại những bất cập, làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như kìm hãm phát triển kinh tế của nhiều hộ dân thuộc diện quy hoạch. Nhiều hộ dân đã làm đơn gửi lên UBND phường tha thiết xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc xin cấp phép xây dựng tạm thời nhưng phường không thể làm trái quy định. Cũng bởi thế, Bách Quang là một trong những địa phương xảy ra tình trạng xây dựng không phép nhiều nhất trên địa bàn thành phố. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, phường đã có ý kiến phản ánh về vấn đề này lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức. Hiện nay, mong muốn lớn nhất của người dân là Dự án sớm hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch để các hộ dân ổn định cuộc sống.

 

Đây chỉ là một trong nhiều dự án còn vướng mắc trong vấn đề quy hoạch trên địa bàn T.P Sông Công. Hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng 25 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng diện tích đất quy hoạch gần 1.000ha với trên 800 hộ dân bị ảnh hưởng. Các dự án này đã được quy hoạch cách đây hàng chục năm, song đến nay vẫn chưa triển khai hoặc thực hiện còn dang dở chưa biết khi nào xong. Trước thực trạng này, thành phố đã đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đối với 7 dự án không có khả năng thực hiện và đã thu hồi được 2 dự án. Với những dự án còn lại, dù vẫn đã “treo” nhiều năm nhưng địa phương chỉ biết thực thi việc không cấp phép chuyển đổi, xây dựng và sửa chữa nhà cửa trên đất đã được quy hoạch… Bởi thế, mặc dù sống giữa lòng thành phố, song hàng trăm hộ dân đang rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”, nhiều ngôi nhà đang dần xuống cấp. Thiết nghĩ, trước thực trạng này các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để người dân sớm ổn định cuộc sống.