Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, những năm qua, huyện Phú Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực, giúp đỡ, chăm sóc các đối tượng, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Khắc Hậu, là nạn nhân chất độc da cam ở xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương. Con trai út của ông là anh Nguyễn Khắc Tuấn (sinh năm 1983) bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Ông Hậu nhập ngũ năm 1971, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, đến năm 1973 ông xuất ngũ trở về quê hương. Ông Hậu tâm sự: Năm lên 3 tuổi, chân tay Tuấn bị co quắp, tâm tính và nhận thức của Tuấn không ổn định, thi thoảng vẫn lên cơn động kinh, đến nay, tôi vẫn phải lo cả việc vệ sinh cá nhân cho cháu. Trước kia, tôi thường mặc cảm về bệnh của con mình, nhưng qua chương trình khám sức khỏe, tôi biết được con bị di chứng của chất độc da cam. Những năm qua, từ sự quan tâm của Nhà nước, bố con tôi được hưởng trợ cấp xã hội, được khám, chữa bệnh định kỳ, vì vậy mà cuộc sống của tôi cũng dần vơi bớt khó khăn.
Còn với bà Đỗ Thị Định (87 tuổi mẹ Liệt sĩ Đồng Văn Nền) ở xóm Thắng Lợi, xã Xuân Phương, niềm vui của bà Định là được sum vầy cùng con cháu trong ngôi nhà mới khang trang được hoàn thành cuối năm 2016, trong đó quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện hỗ trợ 15 triệu đồng. Bà Định chia sẻ: Con trai tôi đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, được Nhà nước ghi nhận chiến công. Những năm qua, tôi và gia đình luôn được Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, chăm lo, động viên tinh thần, tôi cảm thấy vui, yên lòng hơn.
Không chỉ có gia đình ông Hậu, bà Định mà các gia đình thương binh liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Phú Bình đều được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Đức Giang, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 3.100 đối tượng chính sách, người có công đang được hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng số tiền trên 5,2 tỷ đồng. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân huyện Phú Bình luôn xác định công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vốn vay, tiền xây, sửa nhà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Trong 5 năm qua (2013-2017), từ các nguồn hỗ trợ và sự đóng góp của nhân dân, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5 nhà cho các đối tượng chính sách với kinh phí trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, trung bình mỗi năm, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện từ 100 - 130 triệu đồng và trên 150 triệu đồng vào Quỹ đền ơn của cấp xã. Nguồn Quỹ này được trích để hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách trong các dịp lễ, Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn. Tính riêng Tết Nguyên Đán Đinh Dậu vừa qua, huyện đã tiếp nhận và tặng trên 7.000 suất quà với tổng giá trị trên 1,7 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, người có công và thân nhân người có công trên địa bàn. Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể, các địa phương cũng có những hoạt động, chương trình thiết thực như: gặt lúa, cấy hái, dọn dẹp vệ sinh, sơn, sửa nhà cho các gia đình… Bằng những việc làm cụ thể như vậy đã góp phần nâng cao đời sống của các gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn, đảm bảo 97,95% gia đình có mức sống trên trung bình.
Cùng với việc tập trung nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, huyện Phú Bình còn huy động người dân chung tay xây dựng, tu sửa các công trình tâm linh, nghĩa trang, đài tưởng niệm, thể hiện sự tri ân tới anh linh của các anh hùng, liệt sỹ. Riêng trong năm nay, huyện Phú Bình đã dành nguồn vốn trên 5 tỷ đồng để nâng cấp, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sĩ của 9 xã, thị trấn, xây tường rào và cổng Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ của huyện.
Ông Nguyễn Đức Giang cho biết thêm: Những ngày này, hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7), các địa phương trên địa bàn huyện đều có những hoạt động ý nghĩa, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với những cống hiến, hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh và các gia đình chính sách. Ngoài việc thăm, tặng quà, thắp nến tri ân, các địa phương còn tổ chức gặp mặt để chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các cá nhân, gia đình. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa để huyện có điều kiện tốt hơn tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công.