Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017 bắt đầu từ ngày 1/8 đến ngày 7/8 với chủ đề “Chung tay duy trì nuôi con bằng sữa mẹ bền vững”. Chủ đề này góp phần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa chính phủ, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân với các đối tác khác để thúc đẩy chính sách, chương trình nhằm cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nêu rõ: Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là việc của phụ nữ, cần có sự khuyến khích, hỗ trợ từ nhiều phía như cán bộ tư vấn, thành viên gia đình, nhân viên chăm sóc y tế, người sử dụng lao động, nhà hoạch định chính sách...Viện Dinh dưỡng quốc gia cam kết hợp tác với tất cả đối tác để tạo ra môi trường thuận lợi giúp phụ nữ và trẻ em phát triển khỏe mạnh…
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy: Việc cải thiện các hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ góp phần quan trọng vào việc tăng cường sức khỏe của bà mẹ, trẻ em, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tạp chí Lancet 2016 về nuôi con bằng sữa mẹ phát hiện rằng nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm chi phí y tế và góp phần tạo nên một lực lượng lao động mạnh mẽ hơn. Báo cáo "Tổn thất từ việc không nuôi con bằng sữa mẹ ở Đông Nam Á" với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Dự án Alive & Thrive, ước tính nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu có thể tiết kiệm được 23,36 triệu USD chi tiêu cho hệ thống y tế mỗi năm do điều trị các bệnh nhi; đồng thời tránh thất thoát khoảng 70,4 triệu USD quỹ lương hàng năm nếu cải thiện được khả năng học tập của trẻ em ở Việt Nam. Một phân tích mới cũng chỉ ra rằng, tại Việt Nam, cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu hơn 2.000 trẻ mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.
Trên thế giới hiện mới chỉ có 40% trẻ em dưới 6 tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn (sữa mẹ là thức ăn duy nhất) trong 6 tháng đầu đời. Đây là thông tin được đưa ra theo Bảng xếp hạng nuôi con bằng sữa mẹ toàn cầu, một báo cáo mới được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố. Chỉ 23 quốc gia trên thế giới có tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt trên 60%.
Các nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bài bản cho các bà mẹ, gia đình kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung để trẻ khỏe mạnh, phát triển tối ưu. Do đó, nhân Tuần lễ "Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017", Viện Dinh dưỡng quốc gia, Dự án Alive & Thrive và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thực hiện chương trình giáo dục trực tuyến về nuôi dưỡng trẻ nhỏ đầu tiên ở Việt Nam. Chương trình được xây dựng trên cơ sở giáo trình đã được Bộ Y tế phê duyệt; có thể cấp chứng chỉ cho các nhân viên y tế đang và sẽ làm công tác tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Chương trình học gồm 20 chủ đề kéo dài 48 tiếng sẽ mang lại cơ hội cho người học, tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo tính bền vững và nhân rộng so với các phương pháp học truyền thống.
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện, đạt các mục tiêu phát triển bền vững, giúp cải thiện dinh dưỡng (Mục tiêu phát triển bền vững số 2 – Xóa đói), phòng ngừa tử vong trẻ em và giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (Mục tiêu phát triển bền vững số 3 – Sức khỏe tốt và Cuộc sống hạnh phúc) và hỗ trợ phát triển nhận thức và giáo dục (Mục tiêu phát triển bền vững số 4 – Giáo dục chất lượng). Nuôi con bằng sữa mẹ cũng góp phần xóa nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng…/.