Thời gian gần đây, nhiều cử tri trên địa bàn T.P Thái Nguyên bức xúc về việc Công ty Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên đào bới nhiều tuyến đường để xây dựng Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải nhưng tình trạng ngập úng vẫn thường xuyên xảy ra. Để người dân hiểu rõ về Dự án thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên cũng như tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố hiện nay, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Trương Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên.
P.V: Đề nghị ông cho biết mục tiêu của Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên.
Ông Trương Văn Dũng: Mục tiêu của Dự án rất cụ thể, gồm 2 việc: Thứ nhất, thu gom và xử lý nước thải khu vực trung tâm phía Bắc T.P Thái Nguyên để xử lý nước thải, cải tạo điều kiện vệ sinh môi trường cho thành phố, khắc phục ô nhiễm cho sông Cầu. Thứ hai, đầu tư cải tạo một số hạng mục trong hệ thống thoát nước mưa để chống ngập úng tại một số vị trí trong thành phố thường xuyên bị ngập úng. Việc đào bới, thi công tuyến ống dưới lòng đường là đảm bảo cho hệ thống thoát nước thải, mục đích là thu gom nước thải chứkhông phục vụ cho việc thoát nước mưa hay chống ngập úng.
P.V: Ông vừa đề cập đến việc đầu tư một số hạng mục để chống ngập úng, xin ông nói rõ hơn về những hạng mục này?
Ông Trương Văn Dũng: Cùng với việc đầu tư một số hạng mục thu gom và xử lý nước thải, trong Dự án chúng tôi đã thực hiện một số hạng mục công trình thoát nước mưa tại địa bàn T.P Thái Nguyên bao gồm: cải tạo cứng hóa 350m suối Xương Rồng 1; cải tạo cứng hóa 190m suối Xương Rồng 2; cải tạo cứng hóa 890m suối Cống Ngựa; xây mới 2,5 hecta hồ điều hòa Cống Ngựa.
P.V: Vậy tại sao các hạng mục nêu trên đã hoàn thành mà T.P Thái Nguyên vẫn còn tình trạng ngập úng?
Ông Trương Văn Dũng: Về nguyên tắc chung, để không ngập úng bất kỳ điểm nào trong thành phố: thứ nhất, tuyến thoát nước mưa từ điểm ngập úng tới vị trí xả ra sông Cầu phải thông thoát trên toàn tuyến. Thứ hai, nếu tuyến thoát nước dài, theo tính toán phải có bể chứa hay hồ điều hòa trữ nước cho các trận mưa lớn vì tuyến thoát nước dài vẫn thoát nhưng sẽ không kịp với lưu lượng nước quá lớn. Thứ ba, phải bố trí trạm bơm để bơm nước ra sông qua đê khi nước sông Cầu lên cao và trong trường hợp hồ và hệ thống không đủ công suất cho các trận mưa lớn, nhưng thực tế những điều kiện nêu trên chúng ta vẫn chưa thực hiện đúng nên vẫn còn tình trạng ngâp úng.
P.V: Như vậy hồ điều hòa, các trục thoát nước chính hết sức quan trọng trong việc chống ngập úng?
Ông Trương Văn Dũng: Đúng vậy. Tôi trở lại hiện trạng thoát nước của T.P Thái Nguyên trước đây, các trục thoát nước chính của Thành phố là từ mương cống trong đô thị chảy qua ruộng trũng, hồ, suối tự nhiên và xả ra sông Cầu. Nhưng nay, do quá trình đô thị hóa quá, hồ chứa nước, khu ruộng dần bị thu hẹp không còn nơi để trữ nước mỗi khi trời mưa to. Bên cạnh đó, hiện nay do cống rãnh, cửa thu một số vị trí ngập úng không đảm bảo, bị tắc. Trục thoát nước chính là suối tự nhiên từ cầu Bóng tối chảy ra sông Cầu cũng bị bồi lắng, lấn chiếm nhiều làm ách tắc dòng chảy không thể thoát kịp.
P.V: Ông có thể nói rõ hơn về tình trạng ngập úng ở một số điểm hiện nay?
Ông Trương Văn Dũng: Hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có những điểm ngập úng sau: Ngã tư Đại học Sư phạm, cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngã tư đường Lương Ngọc Quyến, đường Phan Đình Phùng, đường Minh Cầu. Tại vị trí ngã tư Đại học Sư phạm do hệ thống cửa thu hàm ếch ít, hay bị rác cuốn gây chặn nút cửa thu. Đối với đường Hoàng văn Thụ và đường Minh Cầu trước kia nước thoát ra ruộng trũng và Đầm Đục, Đầm Xanh nay ruộng và đầm đã thay thế bằng các công trình với cốt nền cao. Trục chính thoát nước cho đường Minh Cầu được thoát qua địa phận phường Phan Đình Phùng, qua đường Cách mạng Tháng Tám, chảy ra cầu Bóng tối và theo suối tự nhiên khoảng 2km ra đến sông Cầu, hiện nay một số đoạn mương, suối thoát nước bị xâm lấn hoặc bị bồi lắng gây tắc nghẽn dòng chảy. Tại cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngã tư đường Lương Ngọc Quyến và đường Phan Đình Phùng, toàn bộ tuyến này có trục thoát chính là suối Xương Rồng 2, đã được đầu tư cứng hóa theo sự phát triển của đô thị, tuy nhiên có tình trạng bị ngập úng vừa qua là do việc vận hành đóng, mở cửa van vào hồ Khu đô thị Xương Rồng không kịp, nên thoát chậm, gây ngập úng.
P.V: Vậy theo ông có lời giải nào cho bài toán ngập úng trên địa bàn T.P Thái Nguyên?
Ông Trương Văn Dũng: Thực tế một số hạng mục thuộc Dự án Thoát nước đã được đầu tư (như nêu ở phần trên) đang phát huy hiệu quả, góp phần thoát nước nhanh hơn sau những trận mưa to so với trước kia. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để bài toán ngập úng thì chưa thực hiện được.Vì hiện nay do đô thị phát triển nhanh, hệ thống thoát nước mưa chưa theo kịp. Phải đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ thì mới giải quyết triệt để vấn đề ngập úng, tuy nhiên sẽ phải tốn rất nhiều kinh phí. Chúng tôi cũng mong muốn tỉnh đầu tư thỏa đáng cho việc xây dựng hồ điều hòa và trục thoát nước chính nhất là tuyến suối từ sau cầu Bóng tối ra sông Cầu để chống ngập úng cho khu trung tâm đúng quy hoạch thoát nước theo định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn 2050.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!