Nên cân nhắc kỹ việc đưa lao động sang Hàn Quốc

10:25, 18/08/2017

Mỗi năm, chỉ có khoảng 10% người vượt qua kỳ thi tiếng Hàn Quốc để đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký đi lao động tại thị trường này. Điều này đã gây ra lãng phí nguồn lực bởi có nhiều lao động bỏ việc làm, đầu tư tiền của, thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển trong khi “giấc mơ” làm việc tại Hàn Quốc không dễ thành hiện thực.

Khác với các thị trường xuất khẩu lao động khác, Chính phủ Hàn Quốc không cấp phép cho các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp lao động Việt Nam làm việc tại quốc gia này hoặc tuyển dụng qua các doanh nghiệp cầu nối. Thay vào đó, Chính phủ nước này trực tiếp sơ tuyển lao động Việt Nam thông qua Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, gọi tắt là Chương trình EPS.

 

Nếu như trước năm 2011, qua Chương trình EPS, mỗi năm Hàn Quốc tuyển từ 12 nghìn đến 15 nghìn lao động Việt Nam sang làm việc thì từ khi mở cửa trở lại đối với lao động Việt Nam (năm 2016) Chính phủ Hàn Quốc chỉ tiếp nhận khoảng trên 2 nghìn lao động từ Việt Nam mỗi năm. Chỉ tiêu giảm mạnh trong khi nhu cầu của người lao động làm việc tại thị trường này ngày không hề suy giảm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động có rất ít cơ hội để thi đỗ kỳ thi ngôn ngữ của Chương trình EPS - điều kiện cơ bản để được xét đi làm việc tại Hàn Quốc.

 

Tuy nhiên, với mức thu nhập hấp dẫn, có thể lên tới trên 50 triệu đồng/người/tháng cho một hợp đồng lao động thông thường, thị trường này là ước mơ của hầu hết những người có nhu cầu xuất khẩu lao động. Mức thu nhập này cao hơn khoảng 3 lần mức thu nhập mà người lao động có thể có được khi đi xuất khẩu lao động ở những thị trường dễ hơn như: Đài Loan, Ả Rập… và cao hơn cả mức thu nhập của người lao động đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản - một thị trường vốn cũng hấp dẫn đối với lao động Việt Nam.

 

Đã từng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan 3 năm, anh Nguyễn Đức Thuận, 24 tuổi ở tổ 35 phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) được cho là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Với mong muốn được được hưởng mức thu nhập hấp dẫn khi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Thuận đầu tư thời gian, tiền bạc để học tiếng Hàn Quốc và đi thi. Tuy nhiên, sau khi bỏ ra gần 2 năm học tiếng Hàn Quốc và trải qua 2 kỳ thi tuyển trong Chương trình EPS, giấc mơ xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc của anh Thuận vẫn chưa thành hiện thực.

 

May mắn hơn anh Nguyễn Hữu Thuận, anh Nguyễn Anh Đức, 22 tuổi ở tổ 27 thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) mới thi đỗ Chương trình EPS 2017 và đang hoàn thiện các hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Để “chiến thắng” kỳ thi trong Chương trình EPS vừa qua, từ cuối năm 2016, Đức đã phải bỏ việc làm công nhân lái máy xúc, đóng tài khoản mạng xã hội, giảm thiểu tối đa thời gian gặp gỡ bạn bè để chuyên tâm cho việc học ngôn ngữ ở một trung tâm ngoại ngữ và học thêm tại nhà.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2016, Chương trình EPS được khởi động trở lại tuy nhiên với một chỉ tiêu tuyển dụng rất nhỏ, trong khi đó, sức hút từ thị trường lao động này vẫn rất lớn nên gây ra tình trạng hàng chục nghìn người lao động cả nước, đầu tư tiền của đi học tiếng Hàn Quốc. Riêng năm 2017, đã có 17 nghìn người đăng ký dự thi trong khi chỉ có 2,8 nghìn người được tuyển chọn. Qua mỗi kỳ thi, có tới gần 90% người lao động cả nước đăng ký dự thi không được chọn đã dẫn đến sự lãng phí lớn về nguồn lực lao động. Mỗi người trong số này đều đã dành từ 6 tháng để cả năm trời để ôn luyện thi trong khi nhu cầu lao động trong nước và cả thị trường xuất khẩu lao động khác cũng rất cao.

 

Ngoài Hàn Quốc, vẫn còn rất nhiều thị trường xuất khẩu lao động cho mức thu nhập cao hơn mặt bằng thu nhập trong nước để người lao động lựa chọn. Riêng thị trường Nhật Bản, dù không có mức thu nhập cao như việc làm ở thị trường Hàn Quốc nhưng người lao động có thể đạt được mức thu nhập tới 30 triệu đồng/người/tháng trong khi điều kiện để được lựa chọn không quá khó khăn. Thị trường Đài Loan, người lao động cũng có thể có được mức thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng. Ngay trong nước, nhiều doanh nghiệp FDI cũng có thể chi trả thu nhập cho công nhân từ 8 đến 15 triệu đồng/người/tháng.

 

Thiết nghĩ, để tránh lãng phí nguồn lực của xã hội và thời gian, tiền bạc của bản thân, mỗi người lao động cần xác định lại năng lực của chính mình trước khi quyết định đầu tư thời gian, tiền bạc tham gia Chương trình EPS đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Nếu người lao động quyết tâm thì cần tìm các cơ sở dạy tiếng Hàn Quốc uy tín đồng thời tập trung cao độ cho việc học trước khi tham gia thi tuyển trong Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc được tổ chức hàng năm này.