Thời gian qua, y tế Thái Nguyên đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Một trong những điều kiện đóng góp vào sự phát triển đó là việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Thông qua hoạt động xã hội hóa đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, giúp giảm tải đáng kể cho những bệnh viện tuyến trên.
Là một trong những cơ sở đi đầu trong thực hiện xã hội hóa y tế, Bệnh viện C Thái Nguyên đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị từ sớm, tạo điều kiện phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Từ năm 2001, Bệnh viện đã đầu tư mua sắm máy CT, một số hệ thống máy xét nghiệm, máy chụp X-Quang… Đến năm 2010, Bệnh viện đã đưa vào sử dụng Trung tâm điều trị kỹ thuật cao với sự tham gia đầu tư của các cổ đông. Trung tâm có những thiết bị y tế vào hàng hiện đại nhất thời điểm đó gồm: máy chụp cắt lớp vi tính 16 dãy, máy chụp cộng hưởng từ và dao Gamma sử dụng trong các phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư.
Bà Lê Thị Thập, Phó Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên cho biết: Nhờ có sự đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, Bệnh viện đã có điều kiện để phát triển sớm và chuyên sâu nhiều kỹ thuật hiện đại như: phẫu thuật các khối u não và bệnh lý thần kinh sọ não, phẫu thuật các u phần thân, thay khớp háng, xạ trị ung thư, can thiệp tim mạch… Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục xúc tiến Đề án đầu tư xây dựng Cơ sở Khám và Điều trị bệnh chất lượng cao theo hình thức hợp tác công - tư. Khi hoàn thành, đây sẽ là Khu điều trị với quy mô 100 giường bệnh đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao và chất lượng đảm bảo tương đương với Quốc tế (mô hình Bệnh viện khách sạn), phục vụ khám chữa bệnh chất lượng cao cho nhân dân trong tỉnh và khu vực lân cận.
Không chỉ tại Bệnh viện C Thái Nguyên, hiện nay, 100% các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tự chủ tài chính. Với mô hình này, các bệnh viện có điều kiện tuyển được nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, có điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết với cơ sở y tế tư, vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới để chuyển lên mô hình tự chủ tài chính tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Từ khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính, nhiều bệnh viện đã có điều kiện mở rộng thêm quy mô giường bệnh, tăng cường mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu của người bệnh. Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ thông tin: Đầu năm 2017, Bệnh viện đã thành lập đơn vị thận nhân tạo trực thuộc Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc. Hệ thống gồm 5 máy lọc thận tiêu chuẩn cùng các thiết bị phụ trợ như: hệ thống lọc nước RO, hệ thống máy pha dịch trung tâm tự động, hệ thống rửa, bảo quản quả lọc, hệ thống camera giám sát, hệ thống giường bệnh, các công trình phụ trợ. Đây là các thiết bị đồng bộ mới do Nhật Bản sản xuất với tổng kinh phí đầu tư trên 5 tỷ đồng. Nhờ vậy, các bệnh nhân bị suy thận cấp và suy thận mãn tính của huyện Đại Từ được điều trị ngay tại địa phương, thay vì phải đến các bệnh viện tuyến trên để chạy thận như trước đây. Hay như Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình cũng đã tăng thêm 150 giường bệnh so với kế hoạch, đầu tư hệ thống quạt, sửa chữa một số hạng mục xuống cấp từ nguồn ngân sách tiết kiệm chi của đơn vị.
Cùng với các bệnh viện công lập, hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng phát triển. Toàn tỉnh hiện có 4 bệnh viện tư nhân và trên 400 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập. Chỉ tính trong năm 2016, số lượt khám chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân đạt trên 314.000 lượt, tăng gần 56.000 nghìn lượt so với năm 2015. Số lượt điều trị nội trú và ngoại trú đạt trên 12.000 lượt. Các bệnh viện tư nhân đều thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Cùng với đó, nhờ đầu tư nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại và đổi mới phong cách phục vụ người bệnh nên chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện này ngày càng được nâng cao. Hiện nay, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đang tiếp tục đầu tư hơn 400 tỷ đồng thực hiện 2 dự án: Bệnh viện đa khoa Yên Bình (T.X Phổ Yên) và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thái Nguyên giai đoạn II. Dự kiến khi hoàn thành sẽ nâng quy mô của Bệnh viện lên 800 giường bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế: Trung bình mỗi năm, ngành y tế huy động được hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Thực hiện mục tiêu xã hội hóa y tế, các cơ sở y tế trong tỉnh đã tích cực liên doanh, liên kết, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển mạng lưới y tế. Từ nguồn vốn xã hội hóa, nhiều trang thiết bị hiện đại như: máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, thận nhân tạo… được đưa vào phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Năm 2017, các cơ sở y tế trong tỉnh đã kê thêm trên 2.000 giường bệnh so với kế hoạch để giảm tình trạng bệnh nhân nằm ghép.
Mục tiêu của ngành y tế Thái Nguyên từ nay tới năm 2020 là phấn đấu xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại, hoàn chỉnh, hướng đến công bằng, hiệu quả và phát triển, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đồng thời, phát triển ngành Y tế trở thành ngành dịch vụ chất lượng cao, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững. Để thực hiện được mục tiêu trên, việc đẩy mạnh xã hội hóa trong y tế là cần thiết và cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa bởi thực tế cho thấy mô hình trên đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao rõ rệt về chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.