Y tế tuyến xã - Chuyện "có" và "cần": Khó khăn của y tế tuyến đầu (Kỳ 1)

07:34, 23/08/2017

Y tế xã là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp. Những năm qua, 181 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã cung cấp các dịch vụ thiết yếu, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra, y tế tuyến xã cần được đầu tư mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa.  

Với chức năng khám, sơ cấp cứu ban đầu và thực hiện công tác dự phòng tại địa phương, trạm y tế được coi như “người gác cổng” đắc lực của ngành y tế. Những năm qua, y tế tuyến xã của tỉnh đã được đầu tư để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức mới, hoạt động của các trạm y tế đang có nguy cơ bị thụt lùi so với mục tiêu đề ra.

Những năm trước đây, xã Phương Giao (Võ Nhai) vẫn được xem như “vùng lõm” về y tế. Tại đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao, tỷ lệ tiêm chủng, khám chữa bệnh của nhân dân đạt thấp. Khi có bệnh, đa số người dân không đến cơ sở y tế xã khám mà tự hái lá cây rừng về uống hoặc nhờ thầy cúng chữa bệnh. Hậu quả là trong nhiều năm liền, những loại bệnh như bướu cổ, sốt rét, bệnh di truyền qua gen… vẫn đeo bám đồng bào. Tuy vậy, với các giải pháp đồng bộ: tuyên truyền nâng cao nhận thức, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực… quan niệm của người dân về y tế đã thay đổi. Bác sĩ Đặng Văn Đang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Hiện nay, mỗi khi có bệnh, bà con đã chủ động đến Trạm để được khám và cấp thuốc. Việc cúng bái khi ốm đau, dùng lá cây rừng để chữa bệnh gần như đã được xóa bỏ. Tỷ lệ tiêm chủng hàng năm đạt trên 90%, số lượt người khám, chữa bệnh đạt trên 5.000 lượt/năm…

Cũng giống như ở Phương Giao, do nằm trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên Trạm Y tế xã Phú Đô (Phú Lương) nhận được nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển. Bác sĩ Trần Anh Quân, Trạm trưởng chia sẻ: Do nằm xa trung tâm huyện nên hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương hầu hết đều do trạm y tế xã đảm nhận. Những năm gần đây, công tác y tế ở xã đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận: Trung bình trên 4.000 lượt khám chữa bệnh/năm, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 99%, tỷ lệ suy sinh dưỡng ở trẻ em giảm xuống còn dưới 10%...

Xác định tuyến xã là “xương sống” của hệ thống y tế, trong những năm qua, tỉnh đã đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để giúp người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đến nay, 100% số trạm y tế đã được xây dựng ở mức bán kiên cố trở lên, 86% trạm có bác sĩ. Hiện, 144 xã đã có máy siêu âm, 147 xã có máy điện tim. Nhờ đó, nhiều trường hợp cấp cứu, ca bệnh nặng đã được xử lý kịp thời, giảm những ca bệnh phải chuyển tuyến trên. Nhiều trạm y tế đã triển khai các chương trình: phòng chống bệnh không lây nhiễm, phục hồi chức năng, điều trị trẻ tự kỷ… giúp người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Có nhiều năm gắn bó với công tác y tế, bà Tôn Thị Minh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế nhận định: So với mặt bằng chung của khu vực miền núi phía Bắc, Thái Nguyên có hệ thống y tế tuyến xã tương đối phát triển. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 153 xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 (chiếm 85%); 100% trạm y tế đã ứng dụng phần mềm trong khám chữa bệnh; 98% số trạm y tế đã thực hiện khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Số lượng người khám tại trạm y tế tương đối cao, năm 2016, đạt trên 938.000 lượt. Ngoài ra, các chương trình mục tiêu y tế tiếp tục đạt và duy trì ở mức cao, các dịch bệnh nguy hiểm được khống chế…

Mặc dù được đánh giá cao về kết quả hoạt động, nhưng hiện tại, hoạt động của trạm y tế cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng gia tăng gánh nặng từ các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm… Trong khi đó, cơ sở vật chất và nhân lực y tế chưa được đảm bảo dẫn đến khả năng đáp ứng các dịch vụ y tế còn hạn chế. Bác sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Minh Lập (Đồng Hỷ) cho biết: Trạm có 8 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ, như vậy là đủ theo quy định số nhân lực của trạm y tế theo số dân ở địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế để đáp ứng khối lượng công việc thì con người lại không đủ. Ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh, chúng tôi còn thực hiện nhiều công việc khác, như: phòng chống dịch bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm, truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng và mới đây là mô hình phòng khám bác sĩ gia đình…

Tuy liên tục được đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn một số trạm y tế trên địa bàn ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Thêm nữa, mô hình thiết kế và đầu tư chưa đồng đều khiến nhiều trạm y tế rơi vào tình trạng thiếu phòng chức năng, thiếu hạng mục. Trên thực tế, hiện nay ở một số xã, nhiều máy móc, thiết bị đã bị hỏng dài ngày nhưng chưa được sửa chữa, thay mới. Đội ngũ nhân lực, trình độ chuyên môn của các cán bộ y tế cũng chưa đồng đều. Cùng với đó, tài chính cũng là một vấn đề đang quan tâm. Nguồn kinh phí hàng năm các trạm y tế nhận được chỉ đủ để duy trì một số hoạt động tối thiểu như hóa đơn điện, nước, bông băng, cồn y tế…

(còn nữa)