Hiện nay, trên địa bàn T.P Sông Công có 14 trường mầm non, trong đó có 2 trường mầm non tư thục, còn lại 12 trường mầm non công lập. Năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng, tuy nhiên, 12/12 trường mầm non công lập của thành phố đều rơi vào tình trạng thiếu cô nuôi (nhân viên cấp dưỡng), điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ.
Chúng tôi đến trường Mầm non Việt Đức, ở phường Thắng Lợi đúng vào lúc Nhà trường chuẩn bị đồ ăn trưa cho trẻ. Trong bếp có khoảng 10 người, là giáo viên của Nhà trường được cắt cử xuống nấu ăn cho các cháu. Bà Tô Thị Thúy Vân, Hiệu trưởng Nhà trường thông tin: Trường chúng tôi hiện có 460 trẻ, chia thành 11 nhóm lớp. Với số trẻ như hiện nay, chúng tôi đang thiếu 9 cô nuôi nhưng hiện nay, Nhà trường chưa tuyển được cô nuôi nào. Vì vậy, để khắc phục tạm thời, chúng tôi đã yêu cầu giáo viên ở các lớp và nhân viên y tế, thậm chí cả Ban Giám hiệu Nhà trường luân phiên xuống bếp nấu ăn cho trẻ. Cô giáo Lê Thị Hồng Thơm chia sẻ: Ngoài giờ lên lớp, chúng tôi vẫn phải soạn giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Do Nhà trường thiếu cô nuôi, chúng tôi phải tăng cường xuống bếp nấu ăn cho các cháu, trên lớp chỉ còn 1 cô trông trẻ nên nhiều khi cũng lo lắng không đảm bảo an toàn cho các cháu.
Theo quy định, chức năng của trường mầm non là nuôi và dạy trẻ. Trong đó, dạy là công việc của giáo viên, còn nuôi là nhiệm vụ của cô nuôi. Thế nhưng, theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập mới chỉ quan tâm đến giáo viên mầm non và nhân viên làm công tác văn phòng chứ chưa quan tâm đến nhân viên cấp dưỡng. Bởi vậy, các cô nuôi vẫn chỉ làm việc theo hợp đồng theo thời vụ. Thêm nữa, công việc nhiều áp lực nhưng các cô nuôi cũng chỉ nhận được mức lương “khiêm tốn” từ 1,3-1,6 triệu đồng, cũng là một trong những nguyên nhân khiến các trường khó có thể tuyển thêm được cô nuôi và “giữ chân” các cô làm việc lâu dài. Mới đây, UBND tỉnh vừa chỉ đạo các cơ sở mầm non công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế khoán định mức kinh phí hợp đồng nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 (cụ thể, cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo được một định mức khoán bằng 1,5 lần mức lương cơ sở và thời gian thực hiện 4 tháng của học kỳ I năm học 2017-2018). Sau khi được UBND cấp huyện phê duyệt, hiệu trưởng các trường mầm non công lập thực hiện quy trình ký hợp đồng đối với nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn theo phân cấp quản lý, đảm bảo đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn theo quyết định số 98/QĐ-UBND.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù UBND tỉnh đã khoán định mức bằng 1,5 lần mức lương cơ sở đối với nhân viên cấp dưỡng nhưng vẫn chưa đảm bảo cuộc sống của cô nuôi. Chị Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên cấp dưỡng Trường Mầm non Bách Quang cho biết: Tôi làm cô nuôi cho trường đã được 5 năm. Tôi thấy, công việc của một nhân viên cấp dưỡng cũng khá bận rộn. Ngoài việc đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, tôi còn phải tính đến mùi vị của thực phẩm để kích thích trẻ ăn ngon miệng. Sau khi trẻ ăn xong, tôi dọn dẹp, rửa bát cũng đến giữa giờ chiều. Tuy vậy, tôi cũng chỉ nhận được mức lương là 1,6 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, tôi khó có thể đảm bảo cuộc sống gia đình. Tôi được biết, UBND tỉnh vừa có cơ chế khoán định mức kinh phí hợp đồng nhân viên nấu ăn, lương của tôi sẽ được tăng lên khoảng 1,9 triệu đồng/tháng. Nhưng tôi thấy, mức lương như vậy vẫn thấp. Tôi mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện, tăng thêm lương và cho tôi được ký hợp đồng dài hạn (hiện nay chỉ có hợp đồng 9 tháng) để tôi yên tâm công tác, gắn bó lâu dài.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng thiếu cô nuôi như hiện nay đó là trên địa bàn thành phố đang có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp thu hút một lượng công nhân vào làm việc khá lớn. Trung bình, mỗi công nhân đi làm trong các nhà máy, công ty cũng có thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng, trong khi vào làm nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non cũng chỉ được hưởng mức lương 1,9 triệu đồng/tháng (theo quy định mới). Điều này cũng gây khó khăn trong việc tìm nguồn tuyển nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non công lập.
Thiếu cô nuôi là thực trạng chung của các trường mầm non trên địa bàn T.P Sông Công trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê của Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, với 12 trường mầm non công lập, các nhà trường cần tuyển 84 cô nuôi (trung bình từ 45-50 cháu/cô nuôi). Tuy vậy, hiện nay các trường mới chỉ tuyển được 7 cô nuôi, trong đó, có 3 cô đã xin nghỉ làm, còn lại 4 cô. Ông Đoàn Đình Khang, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố cho biết: Sông Công là địa bàn thiếu nhân viên cấp dưỡng trong trường mầm non công lập nhiều nhất tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, trên cơ sở số lượng cô nuôi được giao, Phòng sẽ chỉ đạo các trường mầm non tự tìm cô nuôi hợp đồng. Trước mắt, để khắc phục tạm thời, Phòng yêu cầu các trường vận động, cắt cử giáo viên xuống bếp để nấu ăn cho các cháu. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với Phòng Nội vụ thẩm định, rà soát số lượng cô nuôi trong các trường mầm non công lập, tham mưu với UBND Thành phố khoán định mức biên chế trên cơ sở rà soát định mức kinh phí tỉnh giao; đồng thời, giao các trường chủ động tham mưu, đề xuất nguồn nhân lực. Về lâu dài, chúng tôi sẽ kiến nghị cấp trên xem xét lại tiêu chuẩn, điều kiện tuyển và chế độ đối với nhân viên cấp dưỡng để họ yên tâm, gắn bó với công việc.