Khoảng sáng với người khiếm thị

08:59, 02/11/2017

Sau một vụ tai nạn giao thông, đôi mắt của anh Đồng Hữu Nghị, 27 tuổi, trú tại xóm Tiền Phong, xã Thanh Minh, huyện Phú Bình đã vĩnh viễn bị lấy đi. Liên tục 7 tháng từ sau khi xảy ra tai nạn, anh luôn bi quan về cuộc đời, cả ngày nhốt mình trong nhà không tiếp xúc với ai.

Anh chia sẻ: “Sau thời gian rất bi quan do không còn nhìn thấy gì, tôi nhận ra mình cần phải chấp nhận thực tế, không thể sống tiêu cực và là gánh nặng của gia đình mãi được. Tôi bắt đầu thử làm nhiều công việc, nhưng do không còn đôi mắt nên rất vất vả, thu nhập chả được là bao. Sau 3 năm vật lộn với cuộc mưu sinh, được sự định hướng của Hội Người mù huyện Phú Bình, từ năm 2009 đến nay, tôi chuyển sang làm công việc tẩm quất. Công việc này đã đem lại thu nhập trung bình gần 4 triệu/tháng, giúp tôi ổn định cuộc sống”.

Hiện nay, trong tổng số 1.600 người khiếm thị trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 người làm công việc tẩm quất (ở 21 cơ sở); gần 20 người sản xuất tăm, làm đồ thủ công, còn lại phần lớn là không có việc làm. Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội người mù tỉnh cho biết: “Hội lựa chọn công việc tẩm quất là chủ đạo để định hướng việc làm cho hội viên tạo được thu nhập, tự nuôi sống bản thân. Hàng năm, Hội mở từ 1đến 2 lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt trong 4 tháng cho các hội viên. Ngoài việc dạy kiến thức chuyên môn, chúng tôi còn hướng dẫn họ nghệ thuật ứng xử với khách, cách xử lý được những tình huống khó khăn trong quá trình làm việc”.

Đến thăm cơ sở tẩm quất của bà Nguyễn Thị Minh tại số nhà 521, đường Cách mạng tháng Tám, tôi tận mắt chứng kiến căn phòng dùng để tẩm quất được bài trí rất khoa học, sạch sẽ, mọi động tác của bà rất thành thạo, bài bản, đúng quy trình. Bắt đầu là phần đầu, sau đó đến tay, chân, tiếp đến lưng, mặt sau chân và cuối cùng là xoa bóp vai gáy để kết thúc bài tẩm quất. Riêng phần bụng, ngực, nếu được yêu cầu thì mới làm. Sau khi được tẩm quất xong, tôi cảm thấy tinh thần rất thoải mái, mọi mệt mỏi sau một ngày làm việc đều tan biến. Để hiểu rõ hơn, tôi tiếp tục tới thăm vài cơ sở nữa và đều thấy công việc này được người khiếm thị thực hiện khá chuyên nghiệp. Hầu hết khách hàng đến đây đều cảm thấy rất yên tâm và thư giãn. Chị Hoàng Ngọc Diệp, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên cho biết: “Trước đây, tôi bị đau vai gáy nên thường xuyên đến các cơ sở tẩm quất của người mắt sáng. Khi đi qua cơ sở tẩm quất người mù, tôi đã quyết định vào một lần vì tò mò không biết họ tẩm quất thế nào. Nhưng thật bất ngờ, họ làm rất thành thạo, bài bản khiến tôi cảm thấy tinh thần sảng khoái, những chỗ đau nhức đã đỡ hơn rất nhiều”. Chị Nguyễn Thị Tâm, phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên chia sẻ: “Dù đến bất cứ cơ sở tẩm quất nào của Hội Người mù tôi cũng đều thấy rất thoải mái, yên tâm bởi sự giản dị, thật thà trong chính con người họ. Ngoài ra, giá cả tại đây cũng rất hợp lý nên hầu như tháng nào tôi cũng ghé sau những giờ làm việc căng thẳng. Sau trải nghiệm trên, mọi nghi ngờ của tôi về việc tẩm quất không lành mạnh tại các cơ sở người mù đã không còn”.

Khách đến các cơ sở tẩm quất của người mù rất đa dạng, từ người trẻ tuổi đến trung niên và các cụ già; người làm nghề kinh doanh đến nhân viên văn phòng. Bên cạnh những vị khách nghiêm túc, cũng có một số trường hợp gây bất lợi cho người làm công việc này. Chị Hoàng Thị Bích Hợi, cơ sở tẩm quất người mù thuộc tổ 29, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên chia sẻ: “Thông thường mỗi lần tẩm quất sẽ kéo dài 1 giờ với đầy đủ các bước: xoa, xát, day, vận động… Trung bình mỗi ngày tôi có khoảng 8 khách, giá một giờ là 60 nghìn đồng/người. Khi làm việc, tôi sợ nhất là gặp phải khách say, có người không tự chủ được nên đã có những lời nói khiếm nhã và hành động không lịch sự”. Không chỉ đối với người mù là nữ giới, ngay cả với những người mù là nam giới khi làm công việc này cũng đã gặp phải nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Anh Đồng Hữu Nghị, cơ sở tẩm quất người mù tại tổ 2, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình cho biết: “Một số khách đồng tính đến đây khiến tôi rất hoang mang. Mỗi khi xoa bóp đến phần bụng, ngực, chân là khách bắt đầu có những hành động thiếu chuẩn mực, vì thế, mỗi lần như vậy tôi luôn phải khéo léo yêu cầu khách nghiêm túc”.

Trước đây, việc xuất hiện nhiều cơ sở tẩm quất “biến tướng” đã khiến cho nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm về những nơi làm công việc này. Chính điều đó đã khiến cho các cơ sở tẩm quất của người mù gặp không ít khó khăn do không có khách. Tuy nhiên, nhờ lòng kiên trì và kinh nghiệm tích lũy sau mỗi năm, họ đã dần tạo dựng được niềm tin đối với mọi người. Điều quan trọng là từ nghị lực và đôi bàn tay khéo léo, họ đã biết tự lực vươn lên, ổn định cuộc sống và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.