Hoạt động chăm sóc học sinh bán trú bậc tiểu học là do thỏa thuận của gia đình với nhà trường. Chính vì vậy, bữa ăn trưa ở các trường tiểu học trên địa bàn T.X Phổ Yên được ngành Giáo dục giao toàn quyền cho ban đại diện hội phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương quyết định, nhà trường đóng vai trò giám sát, định hướng phù hợp với các quy định.
Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế - xã hội, lao động ở T.X Phổ Yên có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là cơ cấu lao động chuyển dịch từ nông nghiệp, nông thôn sang làm việc tại các khu công nghiệp, dịch vụ. Lượng lao động tập trung trên địa bàn thị xã lớn gây hiện tượng quá tải học sinh bán trú bậc học mầm non, tiểu học. Theo thống kê của ngành Giáo dục T.X Phổ Yên, năm học 2017-2018, số học sinh bậc tiểu học tham gia học bán trú tăng lên gần 3.000, đồng nghĩa với việc các trường tiểu học phải mở rộng quy mô bếp nấu ăn trưa. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện và chăm sóc trẻ nhanh chóng cập chuẩn quốc gia, toàn ngành Giáo dục thị xã đã xây dựng các bộ tiêu chí thỏa ước giữa ngành Giáo dục với chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh. Điểm nhấn quan trọng là xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng khi tham gia vào hoạt động mang tính xã hội tự nguyên (xã hội hóa) này.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tiến - thầy giáo Nguyễn Minh Tường cho biết: Nếu không huy động nguồn lực xã hội tham gia vào các hoạt động giáo dục thì không thể phát triển được. Vấn đề là xã hội hóa thì được tham gia vào lĩnh vực nào trong các hoạt động giáo dục. Nếu huy động nguồn lực từ xã hội, được sự đồng thuận của nhân dân, thông qua Hội đồng nhân dân cấp trực thuộc mà đầu tư nâng cao chất lượng trực tiếp cho dạy, học, chăm sóc thì không có gì sai. Đây chính là mục tiêu huy động sức dân để phục vụ nhân dân tại địa phương.
Với Trường Tiểu học Đồng Tiến, nằm tại trung tâm T.X Phổ Yên, phụ huynh không thể đón trẻ buổi trưa, nên nhờ Trường chăm nom giúp, trong khi Trường chỉ có nhà bếp tạm bợ, chủ yếu phục vụ giáo viên nhà xa. Từ thực tế này, trường báo cáo với chính quyền địa phương cần có giải pháp đầu tư bếp ăn. Trường dành quỹ đất phù hợp, nhân dân, địa phương đầu tư xây nhà bếp, chọn người nấu ăn và nhà cung ứng thực phẩm… Tất cả phải bảo đảm đúng quy định pháp luật và cam kết với Nhà trường, địa phương và Hội Phụ huynh học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng như các quy định pháp luật khác”. Từ cách làm này, năm học 2017-2018, Trường đã được đầu tư gần 100 triệu đồng xây mới nhà bếp nấu ăn với diện tích gần 70m2 khang trang, sạch đẹp, đúng quy trình chế biến thực phẩm một chiều.
Còn với Trường Tiểu học Minh Đức, mặc dù chưa có bếp ăn rộng rãi và khang trang, nhưng Ban Giám hiệu Nhà trường đã đưa ra Quy chế thỏa ước với Hội Phụ huynh học sinh hàng năm, đó là: Chăm lo bán trú là tự nguyện, gia đình, xã hội, chính quyền địa phương đều phải có trách nhiệm trong mỗi bữa ăn cho trẻ học bán trú. Đồng thời, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm cho bếp ăn Nhà trường. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng nhất là phải đáp ứng các yêu cầu về ATVSTP, sản phẩm rõ nguồn gốc và quy trách nhiệm tập thể, cá nhân tham gia chế biến, cung cấp suất ăn cho học sinh.
Cô giáo Lữ Thị Hồng Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Tiến 1 chia sẻ: “Với quy mô trên 800 học sinh ăn bán trú mỗi ngày, Nhà trường đã tiến hành ký hợp đồng thỏa thuận trong từng lĩnh vực sản xuất, vận chuyển, cung ứng. Nhà trường chỉ đóng vai trò lên danh sách thực đơn vào buổi sáng và cùng với Ban đại diện Hội Phụ huynh học sinh tiếp nhận, kiểm soát thực phẩm trước khi chế biến. Cũng theo cô giáo Lan, thu gì chi đấy và đúng mục đích, được nhân dân đồng thuận, tự nguyện đóng góp, chính quyền địa phương đứng ra tổ chức, giám sát… thì đầu tư cho giáo dục sẽ đem lại hiệu quả cao, nhất là từ khâu chăm sóc trẻ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.