Nhìn bầu trời sũng ướt vì mưa, bà Lý Thị Tần, xóm Làng 7, xã Tân Dương (Định Hoá) thở dài như vừa trút được gánh nặng. Bà kể: Bao năm bà cháu sống khổ trong ngôi nhà dột nát, nên ngày có nhà mới, nhiều sớm thức dậy thấy mình như đang trong giấc mơ. Có hôm phải dụi mắt mấy lần tôi mới tin đó là hiện thực.
Nhìn ngôi nhà xây chắc trên, bền dưới, bảo đảm an toàn cho người ở, không riêng bà Tần, mà bà con chòm xóm thấy mình được vui lây. Còn ông Lộc Văn Chu, thôn Bản Khấu, xã Quy Kỳ (Định Hoá) nói vui: Nói đúng nghĩa thì đó là nhà đại đoàn kết. Vì thông qua hỗ trợ của Quỹ Vì người nghèo, sự tham gia đóng góp của cán bộ, nhân dân, các nhà hảo tâm, những người nghèo như chúng tôi mới hết cảnh ở nhà dột nát. Vui nhất Tết này, ban thờ gia tiên nhà tôi không bị mưa làm ướt.
Nhiều người dân thôn Bản Khấu cho biết: Nhà ông Chu có hai người, cả hai đều bị bệnh tật. Nếu MTTQ không vào cuộc, nhân dân địa phương đứng ngoài nhìn, thì đời ông Chu chẳng bao giờ dám mơ mình có được số tiền hơn 124 triệu đồng để làm ngôi nhà rộng 80,3m2 như thế. Mỗi người một câu, tình làng, nghĩa xóm vun vén, giúp cho mà thành. Trường hợp ông Phạm Văn Hoan, xóm Cốc Lùng (Bảo Cường) cũng thế. Hôm vào nhà mới, ông Hoan rưng rưng nói: Chưa bao giờ nhà tôi (ba người) mơ được ở trong ngôi nhà như thế này. Đau ốm quanh năm, thuốc thang nhiều lúc còn không đủ tiền mua thì làm sao dám nói chuyện làm nhà. Mà cảnh nghèo thì xúi xó, ngày Tết cũng ngại mời bà con chòm xóm vào chơi, vì lỡ nhà sập thì…
Từng câu chuyện mộc mạc, ấm áp tình nghĩa con người tôi được thấy, được nghe từ các chủ nhân của ngôi nhà đại đoàn kết. Họ là những người nghèo - Nghèo như “người ta nói”: Không còn gì để nghèo hơn được nữa. Ví như ở huyện Phú Bình, cán bộ Mặt trận về thẩm tra, xác định hộ nghèo để làm nhà đại đoàn kết. Khi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Xoa, xóm Tân Thành (Kha Sơn), và gia đình bà Nguyễn Thị Thoi, xóm Trụ Sở (Tân Hòa). Cảnh tượng trước mặt là một sự nghèo nàn, cơ khổ của những con người ngơ ngác. Nhà bà Xoa có người bị thiểu năng trí tuệ, thì bên nhà bà Thoi ở cảnh vợ câm, chồng điếc. Cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn làm họ càng ngơ ngác, thất thần. Không có tiền tích lũy, nên khi được Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ tiền làm nhà, bà Xoa, bà Thoi đều có một cử chỉ giống nhau: Ngửa mặt cười, nụ cười của người không cảm nhận được sự đau đớn. Rồi vật liệu xây nhà, tiền công thợ vẫn được mua bằng tiền Quỹ “Vì người nghèo”, bằng tiền do nhân dân đóng góp. Các thủ tục liên quan tới việc làm nhà đều do các ông bà trong Ban công tác mặt trận cơ sở lo giúp. Ngày vào nhà mới, bà con chòm xóm đến chia vui, giúp tiền cho gia đình họ mua đồ dùng sinh hoạt. Tôi xem trong danh sách đến mừng nhà mới của gia đình bà Xoa, bà Thoi, ngoài tên bà con chòm xóm, đại diện các đoàn thể, một số doanh nhân địa phương, còn có tên đồng chí Đinh Hồng Thanh, Bí thư Huyện ủy đến chia vui, giúp 10 triệu đồng/hộ.
Thêm một hộ nghèo có nhà mới, đồng nghĩa với việc xã hội có thêm một gia đình được sống an toàn trong chính ngôi nhà của mình. Suy nghĩ ấy theo tôi suốt dọc đường về huyện Đồng Hỷ, thăm những hộ nghèo được làm nhà đại đoàn kết. Ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Văn Lăng cho biết: Năm 2016 địa phương có gia đình chị Đặng Thị Nhị, xóm Tân Sơn được làm nhà đại đoàn kết. Là phụ nữ đơn thân nuôi con, bản thân lại mang bệnh thiếu máu huyết tán, cuộc sống kinh tế khó khăn, mẹ con chị ấy luôn mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người trong cộng đồng xã hội… Mải chuyện, chúng tôi đến xóm Đồng Chuỗng (Quang Sơn) khi nào chẳng hay. Nhà ông Mông Văn Minh, hộ được làm nhà đại đoàn kết năm 2017. Ông Minh bảo: Nhà có 4 khẩu, trong đó có cháu thứ hai bị bệnh phải thường xuyên nằm viện. Cháu đi viện thì bố mẹ phải theo, nương, ruộng bê trễ, khó nghèo cứ bám riết vào cuộc sống của gia đình.
Nghèo đi với khổ, lời người xưa dạy như thế. Tôi cũng nghĩ như thế khi đến xóm Phả Lý (Văn Hán) thăm ngôi nhà đại đoàn kết còn nồng mùi vữa. Bà Nguyễn Thị Liên, chủ nhân ngôi nhà bị hỏng mắt. Bà Liên là hội viên Hội Người mù huyện Đồng Hỷ. Nhà có 4 nhân khẩu, lần hồi, làm lụng quanh năm nhưng vẫn thuộc diện nghèo của xã. Bà Liên nói phấn chấn: Xuân nay có nhà mới, dù chưa dư dật nhiều, song cũng đỡ tủi lòng khi bà con đến chúc Tết. Nhìn bà Liên lóng ngóng pha trà mời khách, tôi nhớ lại hôm lên bản người Mông Lân Quan, xã Tân Long, cùng huyện Đồng Hỷ, chủ nhân ngôi nhà là ông Ngô Văn Lý. Ông Lý bảo: Mình nghèo mấy đời rồi, nay được Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 50 triệu đồng, bà con giúp đỡ thêm, mình làm được cái nhà gỗ 3 gian, 2 chái. Tết này, mời cán bộ lên uống chén rượu mừng Xuân với mình và bà con trong bản.
Mưa cuối Đông nhẹ bay, từng hạt nước nhỏ li ti như bụi phấn vương trên vai áo. Trong hơi lạnh se sắt da thịt, càng khiến chúng tôi háo hức tìm đến các địa chỉ nghèo ở huyện Phú Lương, nơi căn nhà “ổ chuột”, chủ nhân mới rời bỏ để chuyển vào ở trong ngôi nhà đại đoàn kết ấm áp tình người. Ông Hoàng Văn Cương , xóm Ao Sen (Động Đạt) cho biết: Trước đây trong nhà tôi đông người lắm, nhưng cũng cực lắm: Bố bị chó dại cắn, mẹ ốm chết, anh trai bị bệnh tâm thần cũng mới chết, hiện nhà còn có 4 người (hai vợ chồng và hai con). Thấy nhà tôi sắp đổ, Quỹ “Vì người nghèo” đã giúp 50 triệu đồng, các nhà hảo tâm ủng hộ thêm, bà con chòm xóm đến xây giúp, nên Xuân này tôi đã có ngôi nhà ở an toàn, mời bà con đến chung vui.
Khó khăn hoạn nạn, lòng người thêm gần gũi với nhau hơn. Vậy mới có đạo lý tương thân, tương ái; lá lành đùm lá rách; lá rách ích đùm lá rách nhiều. Đạo lý ấy là phép tiên mang hiện thực đến cho người nghèo. Ông Nông Văn Thái, xóm Đồng Nghè 1 (Động Đạt) rủ rỉ nói: Nếu cuộc sống không có tình làng nghĩa xóm, thì năm nay gia đình tôi vẫn đón giao thừa trong ngôi nhà không còn được gọi là nhà. Còn bà Tô Thị Thì, xóm Đồng Niêng (Động Đạt) phấn chấn: Gia đình tôi mới xây dựng xong ngôi nhà mới, rộng 100m2, đầu tư hết hơn 170 triệu đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ 20 triệu đồng, còn lại gia đình, dòng họ, bà con đóng góp thêm. Nhờ thế 8 người trong gia đình tôi được đón Xuân vui nhờ mái ấm tình người.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Từ nhiều năm nay, MTTQ và các nhà hảo tâm luôn đồng hành trên con đường giúp đỡ người nghèo ổn định cuộc sống, trong đó có việc xóa nhà dột nát. Để mỗi mùa xuân mới, xã hội có thêm những ngôi nhà được xây dựng nên bằng tình nghĩa con người. Và dù trong những ngôi nhà mới ấy, cuộc sống của các thành viên trong gia đình còn nhiều thiếu khó, nhưng đã ấm lòng, giúp bao cảnh nghèo vươn lên trong cuộc sống.