T.P Thái Nguyên sau hơn nửa thế kỷ hình thành, phát triển đã như “manh áo chật” khiến việc định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035 giúp địa phương tháo gỡ nhiều “nút thắt”, mở ra không gian phát triển đa hướng trên tất cả các lĩnh vực…
Cần sự điều chỉnh quy hoạch chung
Năm 2005, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng T.P Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 278/2005/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Đồ án ĐCQHC 278/2005). Theo đó, T.P Thái Nguyên được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên; là một trong những trung tâm công nghiệp và giáo dục đào tạo của cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng...
Nhưng sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, Đồ án nảy sinh bất cập, không theo kịp sự phát triển ngày càng nhanh, mạnh của T.P Thái Nguyên nên cần tiếp tục được điều chỉnh. Cụ thể, Đồ án ĐCQHC 278/2005 dự báo quy mô dân số chưa chính xác; Việc gắn kết giữa khu vực trung tâm đô thị T.P Thái Nguyên với các khu vực khác còn hạn chế; Chưa khai thác hiệu quả cảnh quan dòng sông Cầu; Một số tuyến đường hiện có trong khu vực dân cư sinh sống ổn định, lâu đời quy định lộ giới đường không phù hợp, gây khó khăn cho công tác quản lý và đầu tư xây dựng theo quy hoạch; Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nằm phân tán trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, nhất là khu vực nội thành. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đã được Trung ương phê duyệt đã xác định T.P Thái Nguyên là đô thị hạt nhân của vùng, đối trọng phía Bắc Thủ đô Hà Nội.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 27/2/2015 cũng xác định: Xây dựng T.P Thái Nguyên là thành phố sinh thái, có chức năng tổng hợp gồm: quản lý nhà nước, đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, dịch vụ tài chính, ngân hàng và thương mại... Tuy nhiên, đây vẫn mới là mục tiêu, yêu cầu đặt ra để xây dựng và phát triển T.P Thái Nguyên trong các giai đoạn tiếp theo còn kết quả hiện tại chưa nhiều, chưa đồng bộ. Cùng với đó là việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập T.P Sông Công đã cắt giảm một phần diện tích của T.P Thái Nguyên (cắt xã Lương Sơn) nên diện tích tự nhiên bị thu hẹp. Do đó, điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên theo hướng mở rộng phạm vi nghiên cứu, nhằm đảm bảo cân đối đủ quỹ đất cho phát triển, phù hợp với các tính chất, chức năng, quy mô và tiêu chí của đô thị loại I, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Kỹ sư Triệu Văn Trọng, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết: T.P Thái Nguyên đã có chiều dài 55 năm xây dựng và phát tiển nên trong phát triển đô thị phải có sự kế thừa những giá trị lịch sử, văn hoá nhưng cũng cần bước đột phá để hiện đại hoá. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá để làm rõ những giá trị truyền thống, tính đặc trưng và cả sự bất cập trong sự phát triển đô thị. Từ đó, T.P Thái Nguyên có chiến lược phát triển phù hợp là yêu cầu tất yếu. Cá nhân tôi cho rằng T.P Thái Nguyên phát triển đô thị về 5 xã phía Tây để kết nối với vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc và phát triển đô thị phía bờ hữu sông Cầu để nâng cao đời sống người dân nông thôn ở ngoại thị phía Đông, nhất là các xã: Cao Ngạn, Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên mới được sáp nhập về T.P Thái Nguyên từ ngày 1-10-2017 là nhiệm vụ cần thiết. Trục đô thị mới Đông Tây cũng là đối trọng với trục đô thị Bắc Nam đã được hình thành, đầu tư phát triển từ khi thành lập T.P Thái Nguyên đến nay.
Những điều hướng tới
Phạm vi điều chỉnh quy hoạch T.P Thái Nguyên Điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035 theo Quyết định số 2486 ngày 20-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ được xác lập trên tổng diện tích là 22.313,6ha (đã bao gồm diện tích của 5 xã, thị trấn của 3 huyện được sáp nhập từ ngày 1-10-2017 theo quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) trên tất cả các lĩnh vực, như: không gian đô thị; định hướng phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng…Mục tiêu của Chính phủ là tiếp tục phát triển T.P Thái Nguyên trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh và cả vùng. Đồng thời, T.P Thái Nguyên là cực phát triển phía Bắc của vùng thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035 có ý nghĩa đặc biệt.
Việc triển khai quy hoạch chung đã, đang đem lại các lợi ích trước mắt và lâu dài cho T.P Thái Nguyên. Trong đó, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung, T.P Thái Nguyên đã ra soát quỹ đất hiện có để dành khoảng 8.700ha đất phát triển đô thị khu vực trung tâm và 2.000ha đất để phát triển cơ sở kinh tế kỹ thuật các vùng ngoại thị với quy mô dân số lên tới 600 nghìn người. Kỹ sư xây dựng Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đô thị (UBND T.P Thái Nguyên) cho biết: Mở rộng không gian đô thị để có thêm quỹ đất phát triển, nhất là quỹ đất dọc phía Đông sông Cầu sẽ tạo tiền đề hiện đại hoá đô thị như của một số quốc gia phát triển trên thế giới. Khi điều chỉnh quy hoạch, T.P Thái Nguyên gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị về kiến trúc, cảnh quan môi trường của khu vực đã phát triển ổn định trong đô thị (trung tâm lịch sử hiện hữu, các khu cải tạo phát triển). Đồng thời, T.P Thái Nguyên hình thành các khu chức năng mới trong đô thị (khu giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng; khu y tế, chăm sóc sức khỏe; khu công nghiệp, logistic; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…) trên cơ sở phân bố hợp lý và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng khu vực để phát triển đô thị đa dạng, bền vững. Từ nay đến năm 2035, T.P Thái Nguyên sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy) nhằm kết nối thuận lợi các khu vực trong đô thị cũng như giữa đô thị với các huyện, thành, thị trong tỉnh và ngoài tỉnh, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Điểm nhấn trong quy chung của T.P Thái Nguyên giai đoạn tiếp theo là đảm bảo môi trường sinh thái đô thị bằng việc bố trí thêm nhiều không gian xanh trong đô thị tại khu vực phường Đồng Bẩm và 2 xã: Cao Ngạn, Linh Sơn; biến hàng chục ki lô mét sông Cầu, suối Linh Nham thành dạng hồ nước nhân tạo để điều hoà không khí. Việc di chuyển, thay đổi chức năng các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường còn nằm rải rác trong khu vực nội thành tới các cụm công nghiệp tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường được T.P Thái Nguyên quan tâm.
Kỹ sư xây dựng Triệu Văn Trọng, Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc (Sở Xây dựng) đánh giá: Minh chứng thực tế cho thấy từ quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2016, UBND T.P Thái Nguyên và các sở, ngành liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép nhiều dự án phát triển đô thị, khu dân cư, khu thương mại và hạ tầng đô thị với tổng mức đầu tư nhiều chục nghìn tỷ đồng. Một số dự án đã, đang và chuẩn bị triển khai thực hiện trên địa bàn T.P Thái Nguyên góp phần thay đổi diện mạo T.P Thái Nguyên theo hướng văn minh, hiện đại. Tiêu biểu là dự án Khu đô thị PICEZA giai đoạn 2 tại phường Đồng Bẩm; Dự án đường Bắc Sơn kéo dài gắn với phát triển đô thị, khu dân cư qua các phường, xã như: Quang Trung, Tân Thịnh, Thịnh Đán, Quyết Thắng, Phúc Xuân; Dự án Khu Tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) tại phường Gia Sàng và đô thị 2 bên bờ sông Cầu... Đây chính là những bước cụ thể hóa ban đầu của Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035.
Một kết quả nữa là sau hơn 1 năm thực hiện Quy hoạch chung, với sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, cấp uỷ, chính quyền T.P Thái Nguyên đã có nhiều kết quả, như: Hoàn thành việc sát nhập 4 xã và 1 thị trấn của các huyện: Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình trở thành đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Tiến hành thi công xây dựng một số hạng mục công trình quan trọng, như hệ thống đê phòng, chống lũ lụt kế hợp đường giao thông, đô thị phía bờ tả sông Cầu (qua phường Túc Duyên, Trưng Vương)…
Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035 bao hàm nhiều lĩnh vực trên quy mô tổng thể nên Sở Xây dựng sớm phối hợp với UBND T.P Thái Nguyên để cụ thể hoá bằng Chương trình phát triển đô thị nhằm làm rõ trách nhiệm của từng ngành cấp tỉnh đối với vấn đề lớn này. Từ đó, các nội dung trong quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới được triển khai toàn diện, có kết quả cao, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội.