Học Bác làm dân vận khéo

10:01, 17/02/2018

Thực hiện lời Bác dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo trên mọi lĩnh vực của đời sống và đạt kết quả quan trọng.  

Thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo giai đoạn 2017-2020, đến nay, 100% xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thành lập được tổ dân vận, trong đó có 27 tổ dân vận điểm và 13 mô hình “Dân vận khéo, sống tốt đời, đẹp đạo”.

Công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua dân vận khéo nói riêng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Ban dân vận các cấp thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị đăng ký xây dựng, tổ chức thực hiện các mô hình dân vận khéo; chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Thaânh cöng từ công tác dân vận khéo được minh chứng sống động nhất trong quá trình triển khai làm đường bê tông ở phường Mỏ Chè (T.P Sông Công). Đồng chí Nguyễn Thái Hà, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) nói: Trong quá trình làm đường, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, mọi công việc đều công khai để nhân dân bàn bạc, dân làm, dân kiểm tra và quyết định. Khi người dân đã hiểu công sức, vật chất mình bỏ ra để phục vụ lại chính mình và các thế hệ sau này thì việc huy động sức dân tham gia đóng góp làm đường rất thuận lợi.

Tương tự như việc làm đường, để người dân hưởng ứng tích cực mọi phong trào ở địa phương, cấp ủy, chính quyền phường còn công khai để dân biết công khai công tác quy hoạch các dự án trên địa bàn; việc quản lý, sử dụng các loại quỹ vận động xã hội từ thiện do nhân dân đóng góp; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm. Đồng thời, để nhân dân được bàn bạc, quyết định trực tiếp việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng, mức đóng góp xã hội hóa… Nhờ đó, 2 năm gần đây, phường đã huy động nhân dân đóng góp được trên 443 triệu đồng xây dựng Trường Mầm non Hoa Sen, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ… Cũng nhờ làm tốt công tác dân vận khéo mà trên địa bàn phường không có tình trạng khiếu kiện vượt cấp, các đơn đề nghị, kiến nghị đều được giải quyết ngay từ cơ sở.

Sau khi được tuyên truyền, vận động, cựu chiến binh Đỗ Thanh Bình ở xóm Xuân Hòa, xã Phúc Xuân đã bàn giao và nhận tiền đền bù diện tích trên 10.000 m2 đất thổ cư, vườn tạp, nhà ở cho dự án đường Bắc Sơn kéo dài.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ thực hiện thành công, nhiều địa phương còn triển khai phong trào thi đua dân vận khéo một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Đơn cử như xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên). Là địa phương có Dự án đường Bắc Sơn kéo dài (đường hồ Núi Cốc) - dự án trọng điểm của tỉnh đi qua, năm 2017, Phúc Xuân gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Đồng chí Trần Văn Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Dự án đường Bắc Sơn kéo dài đi qua địa phận xã Phúc Xuân có chiều dài trên 2,2km, ảnh hưởng đến 8 xóm. Theo đó, có tới 35ha đất bị thu hồi và trên 320 hộ dân bị ảnh hưởng. Để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, nhiều cuộc họp do Đảng ủy, UBND xã tổ chức, có những cuộc họp kéo dài, tranh luận gay gắt. Chúng tôi rất trăn trở là làm thế nào để khi người dân đồng thuận ủng hộ việc triển khai dự án, di dời từ chỗ cũ đến các khu tái định cư có việc làm, thu nhập ổn định...

Vậy là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Cùng với đó là công khai, minh bạch trong triển khai mọi hoạt động và phát huy tốt vai trò của cấp ủy các cấp trong công tác dân vận khéo để cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, nhân dân noi theo. Đảng ủy, chính quyền xã đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và các ban, ngành, đoàn thể xã, trực tiếp về tận các hộ dân nắm tình hình, hiểu rõ diễn biến tâm tư của từng hộ dân.

Ngoaâi ra, UBND xã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố mời các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án đến để thông báo công khai về giá đền bù, chính sách hỗ trợ, quyền lợi mà người dân được hưởng để người dân hiểu. Đặc biệt, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09, ngày 21-11-2016 về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dự án đường Bắc Sơn kéo dài. Sau nhiều nỗ lực, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt được những kết quả tích cực. Đi đầu trong việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công là xóm Cây Thị. 95% tổng diện tích đất của xóm phải thu hồi để thực hiện Dự án đường Bắc Sơn kéo dài. Xóm có 120/125 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 39 hộ phải di dời toàn bộ nhà cửa; diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi là 28,5 ha trên tổng diện tích 30,5ha; diện tích đất trồng chè phải thu hồi là 12/24ha.

Đồng chí Trần Duy Hưng, Bí thư Chi bộ xóm nói: 20 đảng viên trong chi bộ đều bị ảnh hưởng của dự án, trong đó có 2 gia đình đảng viên Vũ Trọng Đà, Ngô Văn Thủy phải thu hồi cả nhà, đất ở, đất canh tác. 100% đảng viên trong chi bộ đều gương mẫu nhận tiền, bàn giao mặt bằng ngay từ đợt đầu tiên. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, chỉ trong một thời gian ngắn trên 90% số hộ đã bàn mặt bằng cho đơn vị thi công.

Có thể thấy, những kết quả đạt được từ phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần khơi dậy nội lực, huy động sức dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Năm 2018 được chọn là “Năm dân vận chính quyền”, để phong trào thi đua dân vận khéo tiếp tục được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, hệ thống dân vận các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua dân vận khéo; tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nghiên cứu, phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo; nhân rộng, duy trì và phát triển bền vững các mô hình dân vận khéo đã có và tiếp tục xây dựng các mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.