Trời chập choạng tối, vừa kết thúc xong công việc của đơn vị, anh Phạm Văn Đông, cán bộ Thông tin Tiểu đoàn 952, Quân khu III (đảo Bạch Long Vỹ, T.P Hải Phòng) nhanh chóng đi đón con, về nhà chăm sóc vườn rau nhỏ rồi vào bếp phụ vợ nấu cơm. Căn nhà đầy ắp tình thương của gia đình anh Đông như ngọn lửa ấm áp nơi đảo xa.
Anh Phạm Văn Đông là một trong số ít cán bộ quê ở Thái Nguyên hiện đang công tác trên đảo Bạch Long Vỹ. Tôi gặp anh trong chuyến công tác cùng Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải Quân ra thăm, tặng quà chúc Tết cán bộ, chiến sĩ dịp trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Biết tôi là đồng hương, anh vui lắm, xong việc anh bảo tôi nhất định phải đến thăm nhà của vợ chồng anh trên đảo. Tranh thủ thu hoạch và bán hết số rau mà các tàu cá đặt mua ngoài âu cảng, anh lấy xe máy chở tôi đến thăm tổ ấm của mình.
Căn nhà cấp bốn của gia đình anh Đông rộng chừng 200m2, nhìn bên ngoài cũ kỹ. Anh Đông nói: Nhà này do chính quyền huyện đảo tạo điều kiện cho gia đình tôi mượn đất để xây dựng. Mới xây 4 năm thôi nhưng vì thời tiết ngoài đảo khắc nghiệt thường xuyên có gió bão và muối mặn nên bê tông, sắt thép bị ăn mòn. Đối lập với vẻ bên ngoài cũ kỹ, hoang sơ, phía trong căn nhà lại cho chúng tôi cảm giác thật ấm cúng. Đồ đạc trong phòng khách, bếp và công trình vệ sinh được bày biện gọn gàng, tươm tất. Trong phòng khách có cả ti vi, tủ lạnh, quạt máy. Mặc dù ở đất liền những vật dụng này đã quá quen thuộc nhưng với người dân ngoài biển đảo thì lại là những tài sản quý giá.
Anh Đông sinh ra và lớn lên tại xóm Khẩu Đưa, xã Phú Đình (Định Hóa) một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Từ nhỏ, anh đã ước mơ lớn lên trở thành người lính hải quân. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, anh làm đơn đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Năm 2003, anh là lính hải quân Lữ đoàn Thông tin 602, phường Cát Bi (T.P Hải Phòng). 5 năm sau, vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải Quân (T.P Hồ Chí Minh), anh được phân công về đảo Bạch Long Vỹ công tác. Hồi ấy, anh đang yêu cô giáo Bùi Thị Băng Trâm (quê ở Quảng Ninh).
Ngoài công việc chính ở cơ quan và đơn vị, vợ chồng anh Phạm Văn Đông còn tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập gửi về cho gia đình
Chị Trâm tâm sự: Khi mới nghe tin anh Đông nhận nhiệm vụ ngoài đảo tôi đã nhiều đêm mất ngủ. Là phụ nữ, tôi không khỏi lo lắng: Khoảng cách nơi đảo và đất liền liệu có làm cho tình cảm giữa chúng tôi đổi thay. Nếu lấy người lính hải quân thì sẽ phải chấp nhận phải sống xa chồng, một mình gánh vác việc gia đình… Nói đến đây, chị Trâm nhìn sang chồng, cười hạnh phúc: Nhưng tình yêu của tôi dành cho anh ấy đã lớn hơn nỗi lo lắng thường nhật ấy. Tôi đã động viên người yêu vững vàng nhận nhiệm vụ.
Năm đầu tiên anh Đông ra đảo công tác, chị Trâm còn đang dạy học ở một trường tiểu học của T.P Hải Phòng. Quãng thời gian đó, anh chị thường xuyên liên lạc với nhau bằng điện thoại và thư viết tay. Năm 2009, sau khi kết hôn, chị Trâm đã quyết định xin chuyển công tác ra đảo để gia đình được đoàn tụ, hơn nữa chị cũng có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công tác giáo dục ngoài đảo xa. Hiện, chị dạy ở Trường Tiểu học Bạch Long Vỹ. Chị Trâm bồi hồi nhớ lại: Những ngày đầu mới ra thấy nhớ bố mẹ và mọi người ở đất liền lắm. Buồn nhất là khi trong nhà có việc hệ trọng mà không về được. Dần dần, thích nghi với cuộc sống ở đảo, tôi yêu hơn công việc mà mình đã lựa chọn.
Ngồi nghe câu chuyện của anh chị, tôi biết để có được hạnh phúc như hôm nay, thời gian đầu, vợ chồng anh Đông gặp không ít khó khăn. Cách đây 8 năm, gia đình phải thuê trọ trong khu làng chài lụp sụp, ẩm thấp. Những hôm gió bão, vợ chồng phải chạy đi lánh nạn ở trụ sở UBND huyện. Mấy năm nay, có căn nhà vững chắc này vợ chồng anh chị vơi bớt lo toan. Tổ ấm gia đình anh Đông, chị Trâm trọn vẹn hơn khi đón con trai đầu lòng vào năm 2012. Anh Đông kể: Lúc biết vợ sắp sinh, mọi người trong đất liền gọi ra cho tôi không khỏi lo lắng vì vợ sinh con đầu, lại ở đảo xa không biết có an toàn, suôn sẻ không?!. Rất may là có sự động viên của các chiến sĩ trên đảo, gia đình anh chị thêm vững tin. Trước ngày vợ sinh, Chỉ huy đơn vị còn liên hệ với các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện tiến hành thử máu nhiều chiến sĩ tại nơi tôi công tác để xem ai có cùng nhóm máu với vợ để sẵn sàng cung cấp nếu trường hợp thiếu máu. Được tin mẹ tròn con vuông, cháu trai chào đời nặng 3,2kg, hoàn toàn khỏe mạnh, không chỉ vợ chồng tôi vỡ òa hạnh phúc mà gia đình trong đất liền cũng thở phào nhẹ nhõm.
Hiện, con trai của anh Đông đã học đến lớp 2, cháu là học sinh khá, giỏi trong lớp. Mỗi ngày, vợ chồng anh lại cùng nhau chăm sóc và bảo ban cháu học bài. Vợ chồng gần nhau nên anh chị có điều kiện để chia sẻ, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị, cơ quan. Không chỉ là một giáo viên nhiệt tình, trách nhiệm, chị Trâm còn là người vợ mẫu mực, luôn chu toàn chăm lo cho gia đình để chồng yên tâm công tác. Còn anh Đông nhiều năm qua luôn đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chia tay vợ chồng anh Đông, chị Trâm, trong lòng tôi trào dâng cảm xúc thân thương khó tả. Giữa nơi biển cả bao la, hình ảnh của gia đình anh chị gợi lên một bức tranh thật bình yên và hạnh phúc!