Mưu sinh ngày cận Tết

21:17, 13/02/2018

Áp Tết, mọi nẻo đường trong thành phố tràn ngập sắc hoa. Giữa dòng người hối hả ngược xuôi, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người lao động nghèo vẫn miệt mài trong gánh nặng mưu sinh với mong muốn tranh thủ kiếm thêm tiền để mua sắm một cái Tết đủ đầy cho gia đình. 

2 giờ sáng, khi thành phố còn đang im lìm say giấc ngủ, cuộc mưu sinh cho một ngày mới của nhiều lao động nghèo đã bắt đầu. Tại các chợ đầu mối trên địa bàn T.P Thái Nguyên, từ sớm đã nhộn nhịp tiếng nói chuyện, tiếng gọi nhau í ới của các tiểu thương, tiếng còi xe chở hàng cút kít… Vợ chồng chị Từ Thị Hà, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) đã có hơn chục năm làm nghề trồng rau và chuyên chở rau đi bán tại các chợ đầu mối. Nếu như ngày thường, họ thường dậy từ 3 giờ sáng thì những ngày áp Tết như thế này, họ phải dậy từ 1 giờ -1 giờ 30 phút mới kịp giao hàng cho khách. Vất vả nhưng họ có thu nhập cao hơn những ngày thường, để chi tiêu, sắm sửa Tết cho gia đình. Chị Hà cho biết: Mấy ngày cận Tết chúng tôi làm việc gấp 3 lần ngày thường. Từ nay đến 30 Tết, sau khi giao buôn cho khách từ sớm, tôi còn ngồi bán lẻ cả ngày. Năm nay, Tết với gia đình tôi dự sẽ đầy đủ hơn những năm trước. Vợ chồng tôi còn tính ăn Tết song sẽ sửa sang lại căn nhà cho đẹp.

Gánh trên vai nỗi lo cơm áo, nhiều người nghèo đặc biệt là phụ nữ nghèo từ một số tỉnh thành lân cận cũng tranh thủ về trung tâm thành phố để tìm việc làm thêm như: vận chuyển đào, quất thuê, dọn dẹp nhà cửa, đánh bóng lư hương… Vừa khênh chậu đào lên xe cho khách, anh Bùi Anh Hoàng, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) vui vẻ nói: Tôi bị tai nạn lao động cách đây hơn chục năm nên đi lại khó khăn, không thể làm việc nặng nhọc được. Vì vậy, tôi đã mua một chiếc xe ba gác để về làm dịch vụ chuyên chở. Hôm nào đông khách thì lãi vài trăm nghìn đồng, có khi ế ẩm cả ngày chỉ thu được vài chục nghìn đồng. Những ngày gần Tết, tôi tranh thủ ra phố kiếm việc, mong sao có đủ tiền sắm sửa cho gia đình, mua tặng con cái bộ quần áo mới.

Anh Hoàng cũng tâm sự, đợt áp Tết, lượng khách của anh nhiều hơn ngày thường nhưng mức độ nặng nhọc vất vả của những công việc thời vụ cũng tăng lên. Anh bảo, người thuê chở quất, chở đào, chậu cây, hàng hóa, khiến anh luôn chân, luôn tay. Có hôm chỉ kịp mua tạm chiếc bánh mì khô vừa đi vừa ăn lót dạ. 

Còn đối với chị Nguyễn Thị Vĩnh, do nhà ở xa (Sóc Sơn - Hà Nội) nên để có tiền trang trải học hành cho con, cũng như sắm sửa Tết, anh chị đã thuê trọ ở phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) đi buôn bán phế liệu. Chị tâm sự: Vợ chồng tôi sinh được 3 cháu đều đang tuổi đi học nên chi phí tốn kém. Vợ chồng tôi gửi con nhờ bà nội chăm sóc, lên thành phố kiếm thêm thu nhập trang trải cho gia đình. Cận Tết nhà nào cũng có nhu cầu dọn dẹp, chỉnh trang lại nhà cửa nên bán phế liệu nhiều lắm. Công việc của vợ chồng tôi vì thế cũng bận rộn hơn. Năm nay, dù kiếm được ít hay nhiều tiền, chúng tôi sẽ về sớm hơn mọi năm vì mẹ tôi già yếu rồi, lại đang đau ốm.

Bên cạnh những công việc kể trên, thì những năm gần đây, việc dọn dẹp nhà cửa dịp cuối năm cũng thu hút được không ít người lao động nghèo. Có người đi làm độc lập, có người theo các công ty. Công việc này đòi hỏi người làm phải đảm nhận từ quét dọn, lau chùi bàn ghế, dọn sân, vườn…. đến các việc nặng như: quét vôi tường, xây sửa lại cổng nhà. Chỉ cần có sức khoẻ tốt, làm việc siêng năng, cẩn trọng và đúng yêu cầu của khách thì ai cũng có thể làm công việc này được.

Được biết, hiện có nhiều công ty hoạt động bên lĩnh vực loại hình dịch vụ này. Theo đó, các công ty sẽ thuê người lao động, tuỳ vào mỗi công việc, mỗi gia đình để định mức giá phù hợp. Thường thì họ được trả công từ200.000-300.000 đồng/ngày. Nếu chịu khó làm tăng ca, mỗi người có thể kiếm thêm từ 20.000-50.000 đồng. Với lao động nghèo, tìm được việc trong tháng giáp Tết này cũng giúp họ có được khoản tiền kha khá, đủ trang trải cho một cái Tết đủ đầy của gia đình.

Đa số lao động làm thêm dịp Tết đều trong độ tuổi 40-50, là những lao động nghèo, không có nghề nghiệp ổn định nhưng chịu thương chịu khó. Tuy mỗi người một vùng quê, hay hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng đều có một điểm chung là cố gắng mưu sinh để kiếm thêm tiền chăm lo một cái Tết đầm ấm cho gia đình.