Tuổi Tuất thường được coi là tuổi thông minh, linh động, mạnh mẽ, tài giỏi và thành đạt. Có lẽ vì thế, trong số các danh nhân ảnh hưởng lớn tới tiến trình lịch sử Việt Nam, có khá nhiều người tuổi Tuất…
LÝ CÔNG UẨN: Sinh năm Giáp Tuất (974), quê ở Bắc Ninh, vị vua đầu nhà Lý, hiệu Thái Tổ. Thuở nhỏ Lý Công Uẩn làm con nuôi Đại sư Lý Khánh Văn, dày công tu học và luyện tập. Là người nghị lực, thông minh, văn võ song toàn, khi trưởng thành ông được tiến cử vào quan trường, thăng đến chức Điện tiền Chỉ huy sứ, phụ trách quân cấm vệ. Nhà Tiền Lê suy yếu, năm 1009 Lê Ngọa Triều mất, ông được suy tôn lên ngôi, năm 1010 chính thức đăng quang, khai sinh Vương triều Lý và cho dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội), đổi tên là Thăng Long. Ông còn thực thi cải cách mạnh mẽ công quyền, kinh tế, văn hóa, lễ nghi và chấn hưng Phật giáo.
TRẦN QUỐC TUẤN: Sinh năm Bính Tuất (1226), quê ở Nam Định, là danh tướng thời Trần, Anh hùng dân tộc. Giỏi ứng biến, giàu mưu lược, võ thuật cao cường, Trần Quốc Tuấn được triều đình trọng dụng, phong làm Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Là thiên tài quân sự, ông từng lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại các cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông - đế quốc mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Ông cũng để lại nhiều bài học về đức độ, xử thế, dùng người và những tác phẩm chính luận, quân sự nổi tiếng như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
NGUYỄN CÔNG TRỨ: Sinh năm Mậu Tuất (1778), quê Hà Tĩnh, là danh sĩ thời Nguyễn. Đỗ giải nguyên năm 1819, làm quan trong các ngành giáo dục, tư pháp, nông nghiệp, quân sự, ngoại giao… Ông là người có công lớn trong việc khai hoang lấn biển Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, phản loạn. Tính khí khảng khái, quyết liệt, lại phong tình mà hài hước, cùng cuộc sống đa dạng của ông đã để lại nhiều giai thoại thú vị.
BẠCH THÁI BƯỞI: Sinh năm Giáp Tuất (1874), quê ở Hà Tây, đại doanh nhân. Nhà nghèo, cha mất sớm, phải giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong, sau được một nhà giàu nhận làm con nuôi, cho ăn học. Năm 21 tuổi, ông làm thư ký cho một hãng buôn của Pháp, ít lâu sau đứng ra kinh doanh, mở nhà in lớn tại Hà Nội. Năm 1909, ông bước vào lĩnh vực hàng hải, thương thuyền, trở thành đại gia nổi tiếng, được giới doanh nghiệp gọi là “Chúa sông miền Bắc”. Công ty ông có 30 tàu lớn nhỏ, chiếm lĩnh phần lớn thị trường buôn bán đường thủy Việt Nam, cạnh tranh cùng tư sản thương thuyền Pháp, Anh và Trung Quốc. Nghị lực cao, chí khí lớn, giỏi kinh doanh, lại giàu đức độ và lòng từ thiện, ông được coi là doanh nhân sáng giá trong lịch sử kinh tế nước nhà.
TẠ QUANG BỬU: Sinh năm Canh Tuất (1910), quê Nghệ An, giáo sư toán, nhà hoạt động khoa học. Thuở nhỏ học tại Quảng Nam, Huế, tốt nghiệp giành học bổng du học Pháp, Anh. Uyên bác, nhiệt tình, ra trường về nước giảng dạy, chuyên tâm nghiên cứu toán lý thuyết và toán ứng dụng vào sinh học, vật lý, hóa học. Ông cũng hăng hái hoạt động chính trị, xã hội, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau năm 1954, phụ trách việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật với cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.
NGUYỄN TUÂN: Sinh năm Canh Tuấn (1910), quê ở Hà Nội, nhà văn hiện đại. Đi nhiều, hiểu rộng, cộng tác đắc lực với hệ thống báo chí, sáng tác thể loại văn học đa dạng và sôi nổi tham gia hoạt động sân khấu điện ảnh. Cả con người, phong cách và tác phẩm của ông đều toát lên những điều mới lạ, độc đáo. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và để lại nhều tác phẩm văn chương nổi tiếng như: Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tùy bút Sông Đà…