Không được quây quần bên gia đình trong những ngày Tết, nhưng các cụ già cô đơn không nơi nương tựa, những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vẫn được đón một cái Tết đầm ấm tình người. Những cặp bánh chưng nức mùi gạo nếp mới được trao tận tay từng người đã tạo nên không khí Tết sum họp trong mái ấm tình thương nơi đây.
Những ngày giáp Tết, đến thăm Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh (BTXH), dường như nơi đây Tết đến sớm hơn khi Trung tâm được đón nhận những đoàn khách đến thăm hỏi, làm từ thiện và hỗ trợ gói bánh chưng Tết. Đồng chí Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh cho biết: Năm nào cũng vậy, cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành trong tỉnh, các tổ chức, những tấm lòng hảo tâm… Trung tâm đã chủ động chuẩn bị mọi thứ để cho các cụ, các em có một cái Tết sum vầy, đầm ấm. Năm nay, Trung tâm nhận được trên 200 triệu đồng hỗ trợ từ chương trình “Chung tay giúp đỡ người nghèo” của tỉnh cùng với các gói quà của các đơn vị, cá nhân, các nhà hảo tâm tài trợ, hứa hẹn đón một cái Tết đủ đầy hơn. Trung tâm hiện chăm sóc, nuôi dưỡng gần 80 đối tượng là người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật thiểu năng trí tuệ, người lang thang và trẻ em tàn tật bị bỏ rơi. Với những số phận kém may mắn thì nơi đây thực sự là mái nhà chung.
Cụ Công Thị Bích (82 tuổi), là người phường Chùa Hang-T.P Thái Nguyên vào Trung tâm từ năm 2006, năm nay là năm thứ 12 cụ ăn Tết tại Trung tâm. Được hỏi vì sao cụ không về ăn Tết cùng gia đình, cụ rơm rớm nước mắt tâm sự: “Tôi chỉ có các cháu, họ hàng thân thích cũng đã cao niên, sức yếu, nên tôi chọn nơi đây như mái ấm của phần còn lại của đời mình. Gần Tết, người thân cũng đến thăm và muốn đón về gia đình, nhưng tôi thấy xung quanh mình cũng đồng cảnh và mọi người dựa vào nhau tạo thành thân thương nên tôi ở lại”. Với bà Nguyễn Thị Bình (60 tuổi), ở xã la Bằng, huyện Đại Từ thì năm nay là Tết thứ 5 ở lại Trung tâm. Bà Bình nhớ lại: “Cái Tết đầu tiên tôi còn thấy bỡ ngỡ, nhớ quê. Cũng có khi thầm khóc muốn trốn về làng. Nhưng được sự động viên, chăm sóc của cán bộ, nhân viên ở đây và sự thăm hỏi của các đoàn từ thiện làm tôi khuây khỏa và trở nên gắn bó với mọi người xung quanh. Đất lành chim đậu mà! Mỗi người có một hoàn cảnh éo le khác nhau, nhưng cảm thông và tìm được niềm vui tuổi già nơi đây là tôi thấy an tâm”. Còn bà Long Thị Định, là người khuyết tật cả hai tay, là người huyện biên giới Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng vào Trung tâm năm 1997 thì chia sẻ: “Là người khuyết tật, tôi chỉ còn họ hàng sống tại T.P Thái Nguyên, mặc dù người nhà cũng quan tâm, nhưng hoàn cảnh các anh, chị em đều đã cao tuổi nên rất khó khăn. Vào đây tôi thấy mình thoải mái tinh thần hơn và được tạo điều kiện cho ăn, ở, sinh hoạt theo đúng nghĩa tự do của tuổi già, tinh thần vui vẻ, thoải mái và có thêm người đồng cảnh".
Cùng với đối tượng người cao tuổi, các em nhỏ và người lang thang cơ nhỡ dịp này cũng lựa chọn Trung tâm BTXH làm mái ấm đón Xuân. Hơn 30 trẻ nhỏ dịp này lại phấn khởi đón nhận những bộ quần áo mới từ các nhà hảo tâm hỗ trợ. Hầu hết trẻ em nơi đây đều không có cha, mẹ, hoặc lang thang từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, được giới thiệu đến Trung tâm nuôi dưỡng từ nhỏ. Chính vì vậy, tất cả nhân viên, cán bộ nơi đây đều trở thành người mẹ và cha của các em. Các cụ già cô đơn trở thành bà như ruột thịt của chúng. Những ngày áp Tết, tiếng trẻ chào mẹ, chào bà như rộn rã hơn bởi được chia vui đón nhận quà từ những tấm lòng nhân ái cùng những lời căn dặn sâu nặng nghĩa tình, trách nhiệm của các nhà tài trợ hảo tâm. Mặc dù chế độ cho các cụ già, trẻ nhỏ đón Tết tại Trung tâm không nhiều, nhưng Ban Giám đốc vẫn bố trí cho tất cả mọi người đều được tham gia lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) theo phong tục cổ truyền, sau đó là ăn Tất niên, đón giao thừa và ăn Rằm tháng Giêng.
Giam đốc Trung tâm Nguyễn Thúy Hường cho biết thêm: “Thực tế dịp này Trung tâm rất bận rộn. Việc lo lễ, Tết là truyền thống, là trách nhiệm, nhưng quan trọng hơn là động viên tinh thần rất nhiều hoàn cảnh éo le. Hiện tại Trung tâm có đến 3 trường hợp sức khỏe yếu, trong đó có một cụ già đang trong tình trạng bệnh K giai đoạn cuối, hai cháu nhỏ mất khả năng miễn dịch do bị truyền nhiễm virút HIV/AIDS. Ngoài ra không ít trường hợp đến dịp Tết, mọi người vui thì bị kích thích thần kinh, tâm trạng buồn chán, nổi nóng hoặc u uất... nên chúng tôi phải theo dõi sát sao. Những người có bệnh nặng thì cắt cử nhân viên túc trực”.
Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm, chia sẻ trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tin rằng những số phận thiệt thòi ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh sẽ đón một cái Tết ấm áp tình người.