Trọn cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn lịch sử

09:48, 10/02/2018

77 tuổi đời nhưng thầy giáo Nguyễn Xuân Minh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (ĐHSP) đã có 53 năm gắn bó với công tác giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Thầy là nhà giáo mẫu mực, tấm gương sáng trong nghiên cứu khoa học và chính thông qua các công trình của mình.

Sau nhiều lần hẹn, dịp giáp Tết nguyên đán Mậu Tuất tôi mới có cơ hội được trò chuyện cùng thầy. Thầy hiền hậu bảo: Mặc dù thầy nghỉ hưu hơn 10 năm rồi, nhưng nhà trường, khoa vẫn mời thầy giảng dạy cho các học viên cao học. Vì thế, ngoài công việc biên soạn lịch sử, mỗi tuần thầy lên trường giảng 2-3 ngày. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc em ạ. Thầy rất vui vì những năm gần đây tỉnh, các ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp. Qua đó, góp phần không nhỏ trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng bộ trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Nhìn căn phòng làm việc của thầy, tôi thấy rất nhiều bản thảo lịch sử của các ngành, địa phương mà thầy đang biên soạn, sửa chữa, để chuẩn bị đưa ra hội thảo lần cuối, xin ý kiến của hội đồng thẩm định trước khi đi in như: Lịch sử hoạt động thanh niên xung phong tỉnh (1950-2016); Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Thái Nguyên (1946-2016); Lịch sử Đảng bộ phường Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng T.P Thái Nguyên (1945-2016)… Trên giá sách của thầy là kho tư liệu quý về lịch sử trong và ngoài nước; đặc biệt trong đó có hàng trăm cuốn do thầy chủ biên, tham gia, trong đó những cuốn nghiên cứu lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Thái, Thái Nguyên từ những năm 80 của thế kỷ XX.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thầy Nguyễn Xuân Minh là thuộc lớp cán bộ đầu tiên được Trường ĐHSP Hà Nội cử lên giúp đỡ xây dựng, tổ chức Khoa Lịch sử ĐHSP Thái Nguyên từ năm 1966. Nhớ lại những ngày đầu gian khó, thầy kể: Quê tôi ở Thanh Hóa, tốt nghiệp Trường THPT Lam Sơn, tôi thi đỗ vào Trường ĐHSP Hà Nội. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại trường làm giảng viên ở Khoa Lịch sử. Năm 1966, Trường ĐHSP Việt Bắc được thành lập, tôi cùng 2 thầy cùng khoa được cử lên gây dựng Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Việt Bắc. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhưng rất đỗi đáng nhớ. Khi Khoa mới thành lập, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra hết sức ác liệt. Ngay từ buổi đầu, chúng tôi cùng các thế hệ thầy trò Khoa Lịch sử đã hết sức quyết tâm, vượt trên gian khó thời lửa đạn, di chuyển qua nhiều địa điểm tại xã Đức Lương, huyện Đại Từ; xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Định Hóa…  Sau Hiệp định Pari năm 1973, Nhà trường chuyển về tại địa điểm hiện nay.

Trong suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với giảng đường Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Thái Nguyên, T.S TGƯT Nguyễn Xuân Minh đã góp phần đào tạo nên hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ. Nhiều người trong số các học trò của thầy đã trở thành những nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý giữ những cương vị cao của các bộ, ngành, địa phương. Uy tín và đóng góp của thầy Nguyễn Xuân Minh không chỉ giới hạn ở trong ngành sử và tại ngôi trường mà thầy trọn đời gắn bó mà thực tế đã vươn xa, lan tỏa và được khẳng định tại nhiều cơ sở đào tạo đại học, các tỉnh, thành trong cả nước.

Không chỉ có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giáo dục đại học, thầy Nguyễn Xuân Minh còn có nhiều đóng góp có ý nghĩa lớn và lâu dài đối với sự nghiệp giáo dục phổ thông. Thầy viết nhiều cuốn sách giáo khoa lịch sử; tham gia rất tích cực vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và làm chủ nhiều đề tài khoa học về lịch sử. Bên cạnh tình yêu tha thiết với nghề dạy học, bí quyết đã giúp thầy trở thành tấm gương sáng chính là ở là phong cách làm việc khoa học, nghiêm túc với nghề, luôn gắn chặt công việc đào tạo với nghiên cứu. Thông qua các công trình của mình, thầy đã có đóng góp hiệu quả vào việc nhiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương.

Tính đến nay, thầy đã làm chủ biên 24 cuốn lịch sử đảng bộ các ngành, địa phương trong tỉnh, tiêu biểu như: Lịch sử công tác tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1930-2010); Lịch sử công tác tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1930-2010); Lịch sử công tác dân vận Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1930-2010); 65 năm công tác kiểm tra Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1948-2013); Lịch sử MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên (1930-2010); Từ điển Thái Nguyên, xuất bản năm 2016. Tham gia biên soạn 13 cuốn lịch sử: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tập 1 (1936-1965); Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Thái Nguyên (1975-2000); Biên niên huyện Định Hóa; Lịch sử đảng bộ xã La Hiên (Võ Nhai)… Hiện nay, thầy đang nghiên cứu, biên soạn 8 cuốn lịch sử, trong đó có cuốn Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên 1936-2016; Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936-2016); Lịch sử Đảng bộ huyện Định Hóa…

Các công trình nghiên cứu lịch sử các ngành, địa phương được thầy thu thập từ nhiều nguồn, vô cùng phong phú, lại được xem xét tỉ mỉ, cẩn trọng tra cứu đến tận ngọn nguồn, so sánh, đối chiếu để xác định giá trị và độ xác tín của từng thông tin. Với bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp đó, thầy Nguyễn Xuân Minh đã tham gia và chủ trì nhiều diễn đàn khoa học ở trong nước và ở đâu ông cũng giành được sự tin cậy, yêu quý, kính trọng của các đồng nghiệp, học trò nhờ thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, cởi mở, chân thành, quyết liệt trong khi cần phải bảo vệ những chân lý khoa học và sự thật lịch sử. Những đóng góp của thầy cho nền giáo dục và công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thầy đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý, mới đây nhất thầy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen. Cùng với những phần thưởng cao quý, hoạt động và sự nghiệp của thầy luôn khắc ghi những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của biết bao thế hệ học trò.

Năm nay thầy đã bước sang tuổi 77, cái tuổi mà nhiều người vui thú với con cháu, nhưng với thầy vẫn chưa một phút nghỉ ngơi. Trong mỗi giờ lên lớp, Thầy vẫn cuốn hút học trò không chỉ bằng sự nhiệt tâm mà còn bằng cả nội dung bài giảng và độ đằm sâu của tư duy khoa học. Thầy đã chọn nghề sư phạm, mải miết đi trên dặm đường dài nhiều chông gai nhưng cũng vinh quang đó. Khi được hỏi nếu được chọn lại thầy sẽ chọn nghề gì, không chút đắn đó, thầy cười hiền hậu: Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo thầy. Nghề giáo tuy có nghèo về vật chất nhưng lại là nghề “giàu có nhất” đó là sự giàu có về tình thương, về lòng nhân ái, về sự tận tụy với nghề với người. Càng vui hơn khi những người như Thầy vì đã và đang có lớp lớp học trò tiếp bước…